Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

BÀI CA CHO MẸ
Bài của Kha Lăng Đa



Vì là người biết đánh đàn tranh năm mười ba tuổi nên mẹ tôi thích nghe cổ nhạc miền Nam. Khi còn học ở trường làng, tôi đã học ca vọng cổ và bài bản cổ nhạc để ca cho mẹ tôi nghe. Sau đó, tôi học đàn lục huyền cầm với sự say mê, thích thú.

Tôi tập tành viết bài ca cổ nhạc và tuồng cải lương ngắn khi còn ở trường Trung học. Vào những mùa Hè, tôi thường mời bạn bè đến nhà để đàn ca cho mẹ tôi  nghe. Hồi đó, tôi rất thích bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu. Hơn bốn mươi năm mang nghiệp cầm ca, nay tôi còn thuộc lòng trên  hai chục bài ca vọng cổ của vị soạn giả mà tôi ái mộ.

Sau ngày 30/4/75, tôi và chiến hữu bị giam cầm trong ngục đỏ. Thời gian nầy, tôi nhớ mẹ tôi hơn bao giờ hết. Tôi nhớ tổ ấm năm xưa, nhớ vợ hiền, nhớ đàn con thơ dại, nhớ quê hương với hình ảnh bến nước năm xưa mà mẹ tôi đã bao lần đón tôi về sum họp khi hoa phượng vĩ nở rực trong nắng hạ và tiễn tôi đi trong những ngày khai trường lành lạnh hơi Thu. Ngày tôi đi làm thân chim lồng cá chậu, mẹ cầm tay tôi bịn rịn lúc chia ly. Nước mắt mẹ rưng rưng khiến tôi không cầm được đôi dòng lệ luyến thương.

Những năm tháng bị đọa đầy, tôi mang nặng nỗi nhớ thương những người thân, nhứt là mẹ tôi với ánh mắt bao dung, trìu mến, với tấm lòng bao la như biển cả. Tôi nằm quằn quại bên bờ dư ảnh, đói lả người nhưng no đủ đức tin và nỗi nhớ. Tôi đã viết bài ca:

      MẸ VÀ BIỂN QUÊ HƯƠNG :    

      Nam Ai (Lớp 1):

Mẹ ơi! Khi con cất bước ra đi,
Mẹ tiễn đưa, căn dặn bao lời.
Trời vừa rạng Đông,
Trên bến nước quê nhà.
Tay mẹ hiền cầm lấy tay con…
Như muốn chuyền hơi ấm tình thương.
Cơn xúc cảm dâng trào,
Dòng lệ sầu tuông rơi.
Tàu chia ly giục giã hồi còi,
Con nghe dường quặn thắt tâm can.
Đành giã biệt mẹ hiền,
Tàu xa rời bến xưa.
Mẹ đứng trông theo giữa màn sương lạnh,
Cho đến khi khuất dạng con tàu.
Chơi vơi trên sóng nước muôn trùng…
Có một cánh chim trời cô đơn.

      Vọng cổ:
Câu 1:
Xa cách quê hương đêm từng đêm nghe quằn quại tâm tư trong niềm thương nỗi nhớ, nhớ xóm lưới thân yêu, nhớ bóng thuyền xưa đêm nằm nguyệt lộng, mặt biển mênh mông lấp lánh ánh trăng vàng. Nhớ mẹ già nua bóng xế chiều tàn, nhớ mái nhà xiêu rên than trong gió chướng, lối đi về qua bến cũ đìu hiu. Mẹ đã nuôi dưỡng đàn con với tình thương như biển rộng muôn trùng. Đời sống nghèo nàn mà đầm ấm, yên vui, không mơ ước cao sang của thị thành xa mã.

Câu 2:
Những buổi hoàng hôn, nhà sàn soi bóng nước, chắc mẹ u sầu đứng bên song cửa, vọng hướng xa khơi để trông ngóng con về. Cho đến khi màn đêm buông phủ tư bề, mẹ xót xa, lặng nhìn bóng nguyệt soi lạnh lùng qua những rượng lưới đen. Nơi lao tù, con khắc khoải nhớ thương, mong sớm được trở về bên gối mẹ và được khóc như ngày còn thơ ấu trong vòng tay mẹ buổi trùng hoan.

      Trăng thu dạ khúc

Mấy Thu qua, buồn nghe lá rơi,
Nhạn sầu lẻ bóng bên trời.
Hoàng hôn loang tím phía chân mây,
Tưởng mơ quê mẹ, lòng con đớn đau.
Trời cao khiến xui chia lìa,
Bỗng dưng bể rộng biển thành nương dâu ngát xanh.

      Vọng cổ:

Câu 5:
Mẹ ơi! Chữ cúc dục cù lao sánh dường non biển. Thân làm sao đền đáp của tấc cỏ được ơn của ba Xuân mang nặng bên lòng. Phận làm con báo hiếu chưa tròn, nay con phải xa lìa tổ ấm để mẹ hiền cô quạnh tuổi giá băng. Con như chim Bồ nông vừa biết bay cao, nào hiểu được sự hy sinh của chim mẹ, tự mổ thịt mình nuôi đàn con nhỏ dại giữa mùa Đông mưa gió lạnh lùng.

Câu 6:
Đường trở về xóm lưới thân yêu, xa dịu vợi trong niềm thương nỗi nhớ. Đêm từng đêm bên mé bờ dư ảnh, ngồi âm thầm nghe tiếng nấc của tâm tư. Chắc mẹ mỏi mòn năm tháng chờ trông nhưng con trẻ tăm hơi biền biệt. Chuyện đoàn viên còn nằm trong giấc mộng khi lối về xưa rêu phủ xanh màu. Bên xóm cô liêu, nắng vàng tắt lịm, đã bao lần mẹ đứng xa trông.
Gió chiều thổi tạt qua song
Buồn đau dâng sóng trong lòng mẹ tôi.

 

Nỗi nhớ mẹ hiền, nhớ vợ con, nhớ xóm cũ, làng xưa theo thời gian mà chồng chất cao như núi. Ngày về thì mông lung tựa khói sương. Vì mang nặng nỗi nhớ thương đứa con trai bị lưu đày biệt xứ nhiều năm nên mẹ đã lặn lội đến trại tù thăm tôi mấy lần. Lần nào gặp tôi trong phút giây ngắn ngủi ở khu thăm nuôi, mẹ cũng khóc, kể lể nỗi nhớ thương mỏi mòn của mẹ. Mỗi lần nghe tin tù nhân nào được tha về, mẹ cũng đến hỏi thăm tin tức về tôi. Mong chờ mãi không thấy tôi về, một đêm nọ, mẹ xuống tóc, khấn nguyện Phật Trời ban ơn phước cho tôi được trả tự do. Được tin mẹ thí phát, tôi khóc sướt mướt mấy đêm trong ngục lạnh. Sau khi vơi niềm cảm xúc, tôi đã viết bài ca:

      MÁI TÓC MẸ HIỀN

Nói lối:
Con nhớ mãi một ngày xa quê mẹ,
Khi cảnh đời biển thẳm hóa nương dâu.                   
Mẹ tiễn con đi, mắt chan chứa lệ sầu,
Máu mùa Hạ còn vương đọng cành phượng vĩ.

      Vọng cổ

Câu 1:
Máu tim con cũng ngập ngừng tuông theo nước mắt như những cánh hoa khóc cảnh chia ly bởi gió cuốn xa cành. Nửa chừng xuân, mộng ước chưa thành. Cất bước ra đi, nghe cõi lòng quặn thắt, con hẹn ngày về khi lá rụng thu sang. Gói hành trang mang nặng nỗi luyến thương với hình ảnh quê hương bên biển mặn nghèo nàn, có người mẹ hiền mái tóc điểm màu sương, tựa cửa mong chờ khi hoàng hôn nhạt nắng.

Câu 2:
Đâu biết một lần đi là chuốc lấy nhiều tủi hận, đớn đau. Viễn ảnh buổi đoàn viên còn nhạt nhòa trong sương khói vì tấm thân con đang quằn quại chốn lao tù. Mòn mỏi vọng quê xưa nơi xa thẳm mịt mù. Đã bảy mùa chim đỗ quyên kêu áo não, hoa phượng hồng làm rướm máu không gian. Nắng dãi, mưa dầu, con đâu quản ngại gian lao chỉ thương cho mẹ tuổi già nua đơn quạnh, hẩm hút cháo rau, chờ trông con trở lại, tóc bạc, lưng còng, nặng trĩu gánh thời gian.

Câu 3:
Mẹ ơi! Cõi lòng con như muối xát, kim châm khi hay tin mẹ nơi quê nhà ngọa bệnh vì thương ba đứa con trai bị giam cầm trong tù ngục, không biết ngày nào mẫu tử trùng hoan. Mẹ ước mong được nhìn mặt các con trước khi mẹ lìa xa cõi thế, nên giữa đêm khuya mẹ âm thầm xuống tóc, khấn nguyện Phật Trời cho con được bình an và sớm mau trở lại quê xưa, thoát khỏi cảnh chim lồng, cá chậu để mẹ được ôm con trong vòng tay mong nhớ sau bao năm cách biệt đôi đàng.

Nói lối:

Mẹ ơi! Mái tóc mẹ con tôn thờ tr?n kiếp,
Xin được giữ gìn như báu vật thiêng liêng.
Tóc kết tinh tình thương của mẹ hiền,
Từ xuân trẻ đến nhuộm màu sương tuyết.

      Vọng cổ

Câu 4:
Lòng mẹ bao la như trời cao biển cả, hiền dịu như ánh trăng thu tỏ rạng đêm rằm. Qua bao cảnh tang thương của thế cuộc thăng trầm, bầu sữa mẹ đã nuôi con nên hình nên vóc với đau khổ, nhọc nhằn mà thân xác phải gầy hao. Con những mong ngày đỗ đạt, thành nhân sẽ lo báo hiếu cho vẹn tròn bổn phận nhưng ơn dưỡng sanh con chưa đền đáp được lại phải sa chân vào chốn lao tù.

Câu 5:
Nương chấn song nhìn ra khoảng trời xanh, con muốn được như chim bay về tổ ấm nơi cố hương để thăm viếng mẹ hiền. Nhưng, thực tại xót xa, tủi nhục, ưu phiền, con chỉ biết thả hồn theo dư ảnh, tưởng tượng mình đang sống cạnh mẫu thân. Trong giấc mộng canh tàn, con trở lại quê xưa, có mẹ đứng đợi bên bờ biển cũ. Ôm chặt lấy con, mẹ vui mừng đổ lệ, tóc bạc tung bay trong gió lộng thu về.

Câu 6:
Những đêm trường, vầng nguyệt sáng soi, tâm tư con trôi bồng bềnh trên biển nhớ. Nghe rừng khuya lá vàng rơi xào xạc mà con ngỡ là tiếng thì thầm của sóng biển quê hương. Thời thơ ấu chợt hiện về trong tâm tưởng, con được mẹ d? dành, âu yếm, nâng niu. Con nghe như có tiếng ầu ơ tha thiết của lời mẹ ru trong quá khứ xa mờ. Mẹ ơi! Mẹ đã đoạn lìa mái tóc yêu thương để khấn nguyện cho con được trở về với mẹ. Con cũng cầu xin ơn đức cao dày cho con với mẹ sớm vui ngày đoàn viên.

Hai bài ca trên, tôi đã ca cho mẹ tôi nghe lúc tôi được trả tự do trong một buổi đàn ca cổ nhạc nhân ngày lễ vu qui của một đứa cháu gái, con của chị tôi. Mẹ tôi đã khóc khi nghe tôi ca.

Hơn nửa đời người, tôi chưa lần nào nói lên câu: “Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm” và cũng chưa dâng lên cho mẹ một đóa hoa hồng. Nhưng trong hai bài ca do tự tôi biên soạn và trình bày cũng bộc lộ được tình thương của tôi dành cho mẹ, một người mẹ nhân từ mà tôi mãi mãi tôn thờ.

Tôi dự định sau khi nhập quốc tịch Hoa Kỳ, tôi sẽ về thăm quê hương và làm lễ chúc thọ mẹ tôi nhưng bất ngờ mẹ tôi lâm trọng bệnh và qua đời. Tôi không về được để nhìn mặt mẹ lần cuối cùng. Lòng tôi nghe ray rứt, đớn đau trọn đời không nguôi được. Đến khi mang quốc tịch Mỹ, tôi mới về Việt Nam thăm mộ mẹ tôi. Trước khi về cố quốc, tôi đã viết bài ca Khóc Mẹ theo thể điệu Văn Thiên Tường thuộc các bản ai oán của cổ nhạc miền Nam:

      KHÓC MẸ

            Lớp II
Chốn quê người, u hoài vấn vương. Bao tháng năm ly cách quê mẹ xa xăm.
Giữa canh khuya, con bâng khuâng thao thức, nằm trở trăn, tưởng mơ bóng mẹ.
Ngày ra đi đến nay đã sáu Thu dư. Chốn quê xưa, mòn mỏi, mẹ chờ trông con trở gót quay về.
Buổi tao phùng chắc mẹ hiền vui mừng đôi dòng nước mắt rưng rưng.
Lòng con ấp ủ giấc mộng hồi hương để thăm mẫu thân nơi mái nhà xưa, bày nghi lễ chúc thọ mẹ hiền.
Con hình dung khi thấy mẹ chi xiết hân hoan, ôm chầm lấy con mà chẳng nói nên lời, niềm xúc cảm trào dâng.

Khuc dựng:

Bỗng hôm kia, người thân báo tin: mẹ hiền đã lìa cõi dương gian.
Đất trời điên đảo. Dòng lệ chứa chan. Ôi! Đoạn trường tử biệt sanh ly! Con đã mất một người mẹ nhân từ.
Còn đâu mơ ước cảnh đoàn viên với mẹ. Những lời con chúc thọ chưa được thốt ra mà mẹ đã ly trần.
Khung trời viễn xứ u ám thê lương. Con gục đầu tiếc thương, đau đớn như tan vỡ tâm hồn.
Bên khói hương nghi ngút,  con nhìn di ảnh mẹ, cùng với thê nhi cúi lạy, chít khăn tang, vọng tưởng đấng sanh thành.
Tình thâm mẫu tử vĩnh biệt muôn đời. Biết đến bao giờ con gặp gỡ bóng dáng của từ thân.

Khuc xế xảng:

Mạch cảm cứ mãi tuông rơi. Mây đen như giăng phủ cuộc đời, nghe chạnh nỗi bơ vơ.           
Phút lâm chung, mẹ còn mong thấy con nhưng con vẫn biền biệt phương nào.
Lòng con ray rứt trọn kiếp vẫn không nguôi. Bất hiếu nhi tạ tội với mẹ hiền, xin tha thứ cho con.

Lớp III

Con kém xa loài quạ đen hiếu tâm, khổ nhọc tha mồi, nuôi dưỡng cha mẹ già.
Tấc cỏ hèn đâu sánh ơn của ba Xuân. Hẹn cùng mẫu thân kiếp sau, con đáp đền chữ hiếu vẹn tròn.
Lạnh lùng canh vắng, tuyết phủ, sương sa. Ánh bạch lạp lung linh, khóc ai. Bên đèn, con nhớ mẹ lắm, mẹ ơi!
Nghe như còn văng vẳng tiếng mẹ năm xưa trong điệu ru ca dao khi trăng vàng soi bóng bên song.
Biết đâu tìm ánh mắt trìu mến, bao dung. Trên nẻo phong trần phiền lụy, đau thương, con biết lấy ai an ủi dỗ dành.
Khi cha khuất núi, mẹ làm thân góa phụ. Với bao truân chuyên, lận đận, ở vậy nuôi con, mẹ thủ tiết thờ chồng.
Dạn dày sương gió, mẹ tần tảo sớm hôm, trong cảnh nghèo nhưng trọng nghĩa nhân và tròn câu tứ đức, tam tùng.
Mẹ ơi! Âm cảnh, dương gian cách biệt. Con mồ côi khóc mẹ, tuông rơi dòng máu lệ chan hòa.
Ngàn Thu an giấc trong đất lạnh quê nhà, xin mẹ hiền chứng chiếu cho tấm lòng con.

Khuc xế xảng:

Con sẽ trở lại cố hương để viếng thăm phần mộ của mẹ hiền nơi mảnh vườn xưa.
Thắp nén nhang, con thành tâm, thiết tha. Buổi hồi hương nhưng nào thấy mẹ hiền.
Con xin dâng hoa trắng, lễ bái mẹ kính yêu. Trong khói hương bay, con chắp tay, nguyện cầu cho hồn mẹ được siêu thăng.

Lúc về đến Sài Gòn, tôi đã nhờ một người bạn thay tôi, ca bài ca Khóc Mẹ vì tôi dễ bị xúc cảm nên không ca được và đã thu âm giọng ca của người ấy vào băng nhựa để anh chị em tôi nghe được lời thở than, thương tiếc của tôi đối với người mẹ hiền đã xa tôi vĩnh viễn.  
Trở lại mảnh vườn xưa vào một chiều nhạt nắng, tôi đốt nén hương, quì lạy trước mồ mẹ tôi. Tôi đứng nghẹn ngào nhìn di ảnh mẹ. Nghĩ đến công ơn sanh thành, dưỡng dục bao la như trời biển mà khi mẹ sắp lìa đời tôi lại không về được. Lòng tôi đau đớn như đứt từng đoạn ruột khiến đôi dòng lệ hối tiếc đổ chan hòa.

Tôi lấy khăn tay lau nước mắt, nhìn cảnh vật trong vườn đang ủ dột dưới ánh tà dương. Đâu đâu tôi cũng thấy phảng phất hình bóng mẹ. Tôi đi thui thủi trên con đường làng dẫn về gian nhà kỷ niệm. Tôi nhớ lại thời thơ ấu, cũng trên con đường quen thuộc nầy mẹ đã dắt tôi đến trường trong gió heo may chớm lạnh của ngày đầu tiên tôi đi học. Khi vào binh nghiệp, thỉnh thoảng tôi về thăm mẹ. Lần nào tôi hết phép trở lại đơn vị, mẹ cũng tiễn tôi đi trên con đường đã gắn ghi nhiều kỷ niệm êm đẹp nầy. Dọc đường, mẹ thường trao cho tôi chai dầu Nhị Thiên Đường và dặn dò tôi:
-   Con cất chai dầu nầy để đi đường, phòng khi bị đau bụng hoặc bị cảm, con xức ở bụng, ở ngực, hai bên thái dương và nuốt một giọt. Hay lắm đó con.

Gian nhà cũ nằm sát bờ biển quê hương đã già nua theo năm tháng. Từ kẹt vách, thềm nhà, từ mái hiên, cửa sổ, đều gợi cho tôi những kỷ niệm ngày xưa khi tôi còn sống dưới sự thương yêu, che chở của mẹ tôi. Bộ ván gõ vẫn bóng loáng như còn được tay mẹ quét bằng chổi lông gà hằng ngày. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh mẹ ngồi ăn trầu trên bộ ván thân yêu nầy. Những lần đi xa về, tôi thường mua trầu cau làm quà cho mẹ. Chính bộ ván láng, mát nầy đã cho tôi những giấc ngủ ngon lành trong những buổi trưa Hè hiu hiu gió nồm nam. Khi còn nhỏ dại, mỗi lần phạm lỗi lầm, tôi thường bị mẹ bắt nằm sấp trên bộ ván gõ nầy để đánh đòn. Lần nào dứt trận đòn, tôi cũng mếu máo khóc và chắp tay lạy mẹ:
-    Lạy mẹ, con không dám vậy nữa!

Di ảnh cha mẹ tôi đặt trên cái tủ thờ có khảm ốc xà cừ rất tinh xảo với hình hoa lá và chim chóc. Tôi nhớ mẹ tôi đã đựng hộp thuốc Tây của cha tôi đã uống hết đầy ắp cả cái tủ vì cha tôi bị bịnh triền miên suốt mấy năm trường. Cứ mỗi mùa mưa, tôi lấy những cái hộp giấy ở trong tủ ra để đem đổi lấy những con dế về đá độ với bạn bè cùng xóm. Mùa mưa năm ấy, cha tôi trở bệnh trầm trọng và qua đời khi tôi vừa được mười ba tuổi. Tôi đã khóc cha và bỏ luôn cái thú vui đá dế dù cái kho hộp giấy của tôi vẫn còn nhiều.     

Lúc còn ở tuổi thanh niên, cha tôi là một ngư phủ hiền lương, chất phác, khỏe mạnh. Hiên ngang như một dũng tướng của bể khơi, có tài đi biển và đánh cá hơn người. Cha tôi lại giỏi về hát bội. Tuy không đi theo gánh hát nhưng ông đã từng hát giúp cho những gánh hát nghèo. Đêm hát nào có cha tôi đóng vai chánh, dân làng đổ xô đi xem rất đông. Những vai đặc sắc nhứt của ông là vai Triệu Tử Long trong tuồng Triệu Tử Đoạt Ấu Chúa và vai Tiết Giao trong tuồng Tiết Giao Đọat Ngọc. Tôi nhớ khi cha tôi bị bệnh, cơ thể rất suy yếu, vậy mà lâu lâu nhớ nghề, ông ngồi hát một mình. Vì rán sức la hét, nửa chừng bị lên cơn suyễn, ông lấy cái ống bơm đút vào cổ họng, bơm khẹt khẹt mấy cái, nghỉ mệt vài phút, ông lại tiếp tục hát. Tôi vừa tức cười vừa thấy tội nghiệp cho cha tôi. Chắc cha tôi đang nhớ tiếc cái thời oanh liệt của Triệu Tử Long.

Khi còn mạnh khỏe, cha tôi thường được mời đánh trống chầu cho đám hát đình trong những dịp lễ Kỳ Yên và cho đám hát Lăng trong những lần Nghênh Ông trong tiết Trung Thu hằng năm. Tôi và chị tôi thường xách ghế theo ngồi cạnh bên cha để xem ông đánh trống chầu và coi hát bội diễn tuồng.

Ngày trước, với ngón đàn tranh được thầy  truyền dạy, mẹ tôi thường theo ông ngoại tôi đến hòa đàn với những nhạc sĩ cao niên trong những đám đàn ca tài tử. Lúc đó, mẹ tôi còn là một cô bé xinh xắn, ngây thơ. Đến khi kết duyên với cha tôi, mẹ đã bỏ đàn sau khi gia đình tôi bị tai biến, tiêu tan cả sự nghiệp.

Ngày nay, tôi được di truyền dòng máu nghệ sĩ của cha mẹ tôi. Tôi ca không hay nhưng lại thích ca vì tôi có cảm nghĩ là ca để cho tâm tư, tình cảm giao hòa với âm nhạc. Để bộc lộ niềm vui, nỗi buồn như cha tôi ngày trước bị bịnh hoạn mà vẫn cất cao tiếng hát. Hình như ca là nhu cầu của tâm hồn tôi, như bông hoa cần nước và ánh sáng mặt trời.

Tôi đốt nhang khấn vái cha mẹ tôi rồi cắm lên bàn thờ. Trời nóng nực, tôi bước ra nhà sau để hóng gió biển. Sau nhà bếp là bờ đá bảo vệ phần đất còn lại trước sự xâm thực đất liền của biển cả. Tôi nhớ mẹ tôi ngày trước ngồi vo gạo hay làm cá trên cái sàng lãng nằm phía ngoài bờ đá. Tôi thường đứng bên cạnh mẹ để chờ mẹ sai vặt. Tiếng sóng biển rì rào đưa tôi về vùng ký ức xa xưa của cảnh gia đình đoàn tụ, tôi cùng cha, mẹ, anh, chị, em tôi ăn bữa cơm khuya khi thuyền đánh cá về muộn giữa đêm trăng.

Cánh rừng Sát ở phía tây nằm vắt ngang chân trời đang nhuộm ráng nắng chiều vàng gợi cho tôi nhớ miên man về quá khứ nhạt nhòa như bóng hoàng hôn. Năm xưa chạy giặc, mẹ tôi bồng đứa em tôi vừa được ba tháng và tôi khi ấy vừa tròn bốn tuổi, ẩn núp dưới đám cây rậm lá trong khi chiếc máy bay đầm già của Pháp bay quần sát ngọn cây gieo kinh hoàng cho mẹ con tôi và đám dân lành vô tội. Mỗi lần con đầm già bay qua chỗ mẹ con tôi ngồi, tiếng động cơ gầm, rú như đe dọa, em tôi giựt mình khóc thét lên. Một tay mẹ ôm em tôi sát vào lòng, một tay mẹ đè đầu tôi xuống. Run bây bẩy, mẹ bảo:
-    Con ơi! Nằm mọp xuống, coi chừng nó thấy nó thả bom mình chết.

Hình ảnh mẹ ngày ấy chợt hiện về trong tâm tưởng của tôi. Một hình ảnh thật đáng thương như gà mẹ che chở cho đàn con trước móng vuốt của diều hâu.

Nhớ khi tôi vào Không Quân bay loại phi cơ quan sát L19, giống như con đầm già ngày trước, trong một lần nghỉ phép về thăm nhà, mẹ tôi hỏi tôi:
-    Con có nhớ ngày xưa chạy giặc, mình sợ con đầm già hơn sợ cọp. Bây giờ con lại ngồi trên mình nó, kể cũng ngộ!
Nói đến đây, mẹ cười. Tôi cũng cười theo mẹ.

Nhớ có lần mẹ xuống Cần Thơ thăm tôi và ở lại hơn sáu tháng mới về. Tôi xin phép đặc biệt và xin phi cơ Cessna của đơn vị đưa mẹ về Vũng Tàu. Lúc phi cơ bay ngang qua khu rừng sát quen thuộc, tôi chỉ cho mẹ nhìn xóm cũ, làng xưa. Mẹ về nhà, khoe với anh chị em tôi và bà con láng giềng là mẹ đã được đi máy bay lần đầu tiên trong đời mẹ, được nhìn quê hương yêu dấu từ trên trời xanh.

Tôi khẽ thở dài. Những cái mái vú nằm dọc bên hè gợi cho tôi nhớ những lần dầm mưa để xách nước từ cái mái đặt dưới máng xối, đổ vào những cái máy khác. Lần nào tôi cũng cố gắng đổ đầy tất cả mái, lu dùng để chứa nước. Dứt cơn mưa, dù bị thấm lạnh, run lập cập tôi cũng nghe lòng ấm áp khi được mẹ khen:
-    Con tôi giỏi quá!

Được thở lại không khí mà cha mẹ tôi đã thở, được nhìn lại những vật dụng mà cha mẹ tôi đã dùng trong tổ ấm năm xưa, tôi nghe niềm yêu thương dào dạt tâm hồn như nước rong ngập đầy biển mặn quê hương. Ước gì tôi kéo ngược được thời gian để sống lại những ngày tháng êm đềm bên cha mẹ và anh chị em tôi.

Trước khi lên Sài Gòn để chờ chuyến phi cơ trở về nước Mỹ, tôi đến đốt nhang, quì lạy mồ mẹ tôi vào một buổi ban mai nắng ấm. Tiếng chim sâu trong vườn vẳng đến nghe buồn não ruột, tôi nói thầm trước di ảnh mẹ lộng trên phần mộ:
-    Thưa mẹ con đi. Mẹ hãy ngủ yên, năm sau con sẽ về thăm mẹ nữa.

Tôi trở lại đất nước cờ hoa được ba tuần thì đến Ngày Hiền Mẫu (Mother's Day). Nhìn hai đứa con gái út của tôi dâng cho mẹ chúng nó những đóa hoa hồng tươi thắm mà tôi bùi ngùi nhớ đến mẹ tôi. Tôi ra sau nhà, cắt một đóa hoa hồng do chính tay tôi trồng, cắm vào cái lọ nhỏ, đặt trước di ảnh của mẹ tôi trên bàn thờ rồi mở máy cassette với cuốn băng đã thu âm bài ca Khóc Mẹ cho tiếng ca quyện theo làn hương khói, gởi đến mẹ tôi ở tận cõi xa. Suốt nửa ngày, tôi nằm trên ghế sofa trước bàn thờ với đôi mắt đầm đìa giọt lệ tiếc thương mẹ tôi.

Đến ngày rằm tháng Bảy, chùa Viên Minh tổ chức đại lễ Vu Lan, tôi được mời tham gia một tiết mục cổ nhạc miền Nam với chủ đề nói về mẹ. Tôi đã ca bài Mái Tóc Mẹ Hiền để cống hiến cho khán giả Phật tử, quan khách và cũng để kính dâng hương hồn mẹ tôi. Những người đến dự lễ được gắn trên ngực áo những đóa hoa hồng. Ai còn đủ cha mẹ thì được gắn một bông hồng đỏ thắm. Người nào chỉ còn mẹ hoặc cha thì đóa hồng lợt hơn. Riêng tôi thì được nhận đóa hoa hồng bạch. Tôi nghẹn ngào nhớ tới mẹ tôi.

Dù nước mắt của tôi đổ xuống như những cơn mưa dầm của tiết tháng Bảy cũng không mảy may báo đáp được công ơn như trời biển của mẹ tôi. Hai bài ca trước, mẹ đã nghe tôi ca, còn bài ca thứ ba, tôi tin rằng bên kia trời miên viễn, mẹ cũng xúc cảm khi lắng nghe được lời bi thương của tôi khóc mẹ.

Dù cho tôi có viết cả trăm ngàn bài ca, bày tỏ lòng yêu kính của tôi đối với mẹ, để cho người đời ngợi khen tôi hiếu thảo cũng không sánh được tình thương bao la như đại dương của mẹ đã dành cho tôi.

Mất mẹ rồi, tôi mới biết phúc cho ai còn có mẹ. Xin những người được diễm phúc ấy hãy nói với mẹ rằng: “Con thương mẹ lắm mẹ ơi! Hãy làm đẹp lòng mẹ. Hãy hầu hạ, ân cần săn sóc mẹ để khi mẹ qua đời, chúng ta không ân hận vì thiếu bổn phận làm con”

Kha Lăng Đa

Mời các Anh Chị Nghe bài "Mái Tóc Mẹ Hiền" do chính sọan giả Thanh Lịch trình bày

';

Trở lại Đầu Trang