Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Trí Thức và Chính Trị
Hướng Dương txđ



Nói rằng cứ là trí thức là phải có ý thức chính trị là kể một chuyện hoang đường (a myth):
Vaclav Havel, người lãnh đạo cuộc nổi dạy tại Tiệp Khắc đã viết vào năm 1986: “Nhà trí thức phải là kẻ liên tục phá rối, phải là nhân chứng cho những sự khốn khổ của thế giới, phải dám thách thức vì tinh thần độc lập của mình, phải dám chống đối lại tất cả những áp lực bí mật hay công khai và những thủ đọan, phải là người đứng hàng đầu trong việc nghi ngờ mọi thể chế, mọi quyền lực, và những lời chiêu dụ của nhà nước, phải là nhân chứng cho những lời xuyên tạc của chúng. Theo Vaclav Havel,  trí thức là những kẻ “gây xáo trộn cho sự yên bình”, trách nhiệm cuối cùng của người trí thức là nói lên sự thật dù cho họ có làm các chính thể đương thời tức giận.

Không phải chỉ có Havel  nghĩ như thế về người trí thức. Trước ông, Zola, Benda, Orwell, Kolakowski và nhiều tác giả khác cũng đã nhấn mạnh đến cái nhiệm vụ cao cả của người trí thức là, như lời của Ignazio Silone, “khiêm tốn nhưng can đảm phục vụ chân lý (humble and courageous service of the truth).”

Sở dĩ danh từ “trí thức” gắn liền với những hình ảnh cao thượng là vì đứng trên cương vị tập thể, vào thế kỷ thứ 19 bên Nga, danh từ  “intelligentsia” tức “giới trí thức” được định nghĩa như là những người (1) quan tâm xâu xa đến những chuyện lợi ích công cộng; (2) có ý thức cá nhân về trách nhiệm đối với quốc gia; (3) thường coi những vấn đề chính trị và xã hội là những vấn đề đạo đức; (4) thấy có bổn phận phải đi tìm cho bằng được những kết cuộc hợp lý cuối cùng; và (5) tin tưởng rằng có một chuyện gì không đúng đang xẩy ra và cần phải được sửa sai (Confino, 1972, p. 118).)

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan điểm trên - của truyền thuyết đạo đức (moralist tradition) – không còn được nhiều tác giả chấp nhận. Ngày nay, những lý thuyết gia thuộc trường phái xã hội cho rằng lối suy diễn của những học giả theo thuyết đạo đức không đúngvới sự thật vì nó chỉ nêu lên một hình ảnh mà người ta mơ tưởng về người trí thức mà thôi. Nói cách khác, hình ảnh người trí thức tranh đấu cho lẽ phải, cho ích lợi của đa số, và quyền lợi của đất nước chỉ là điều người ta mong đợi nếu không muốn nói là ước mơ.

1.   Trí thức có khả năng nhận thức chính trị.

a.  Trí thức là những người có tầm mức hiểu rộng hơn những con người bình thường, họ đã trải qua một tiến trình dài hấp thụ những kiến thức văn hóa hay chuyên môn và ngày nay có người định nghĩa trí thức là những kẻ đã tốt nghiệp đại học. Người trí thức có khả năng lý luận, có đầu óc sáng suốt, biết phân biệt chân lý và sự giả dối, biết phân định đâu là lẽ phải và đâu là sai trái. Người trí thức có những khả năng trí tuệ như biết phân tích, biết những phương thức tìm tòi, nghiên cứu đễ nhận thức chân lý. Từ bản chất, người trí thức “mẫu mực” là kẻ có lý tưởng, thích theo đuổi một mục đích cao xa, thích hành động sao cho có lợi cho tập thể, thích tranh đầu cho quyền lợi và hạnh phúc của người khác.

b. Ở những nước tiến bộ, người làm chính trị phải là trí thức. Ngày nay nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật đòi hỏi người làm chính trị phải có những kiến thức xâu rộng, những khả năng nhận thức và quyết định của những nhà chuyên môn về các ngành chính trị, luật pháp, tài chính kinh tế, giáo dục hay xã hội học. Những người nắm quyền hành chính trị thường là những nhà đại trí thức dày kinh nghiệm cả về lý thuyết lẫn thực hành. Họ thường có những bằng cấp đại học bậc tiến sĩ hay cao hơn.

Trái lại ở những nước chậm tiến với những chính thể độc tài, những người nắm quyền lực trong tay thường là những kẻ không có học thức, không có tầm hiểu biết rộng cả về mặt chính trị lẫn chuyên môn, Chính vì thế mà họ chỉ tranh đấu cho chính họ, gia đình họ, và một thiểu số những đàn em mà không màng đến quyền lợi chung của người dân và của đất nước. Riêng ở nước ta, tất cả những quyết định của Đảng và Nhà Nước đều nhằm bảo vệ quyền lợi của Đảng - tức là của những đảng viên – và quyền lợi của nhà nước - nhắm vào sự tồn tại của chế độ hiện tại. Vì những người lãnh đạo không là những trí thức nên chế độ không coi trọng trí thức và không có kế hoạch qui mô đào tạo những người trí thức, là những người có khả năng chuyên môn để đưa đất nước tới một trình độ phát triển thật sự. Chưa nói đến chuyện nhà cầm quyền không tin tưởng ở người trí thức, vì lý do đơn giản là người trí thức không mù quáng nghe theo họ và nếu không ra mặt chống lại thì cũng không hoàn toàn ủng hộ và dễ bất mãn trong lòng.

Mặc dù trên thực tế, trí thức phải cộng tác với nhà cầm quyền để sống còn nhưng có nhiều yếu tố làm cho mối liên lạc giữa trí thức và nhà cầm quyền trở nên phức tạp và mâu thuẫn. Trí thức dễ bị thu hút bởi quyền lực và kính nể những kẻ có quyền hành nhưng đồng thời lại vừa kinh hãi vừa ghê tởm họ. Chính vì vậy một khi thoát ra sự kiềm tỏa của chính trị thì họ không còn mối liên lạc cộng tác nữa và sẵn sang bầy tỏ lập trường chống đối của họ. Những đảng viện đảng Cộng sản Việt Nam thoát khỏi Việt Nam hay đã về hưu giờ đã dám công khai chống đối “Đảng và Nhà Nước” là vì vậy - để rồi có thể bị bắt đi tù đầy.

So với những tầng lớp nhân dân thấp kém hơn, trí thức tự coi mình thuộc giai cấp thượng tầng, gần gũi với giai cấp cầm quyền hơn giai cấp công nông thương và họ tự hào là họ có khả năng đạo đức và trí tuệ cao hơn cả giai cấp cầm quyền trong khi những đặc quyền mà họ được hưởng so với những đặc quyền của giai cấp cầm quyền thật ra không đáng kể. Khốn nỗi đồng thời trí thức lại tự thấy mình thua kém về quyền lực và đối với nhà cầm quyền, họ vẫn chỉ là kẻ bị trị.

2.   Trí thức không nhất thiết phải có ý thức chính trị, phải tỏ rằng mình có lập trường chính trị vì:

  • Trí thức là những người làm văn hóa như những văn nghệ sĩ, họ là những nhà chuyên môn như kỹ sư, bác sĩ nha sĩ dược sĩ, giáo sư, chuyên viên kinh tế thương mại ngân hàng.. vân vân, họ không sống bằng chính trị - trừ những kẻ dấn thân vào chính trường, giữ những chức vụ mang rõ ràng tính cách chính trị như tham gia đảng phái một cách tích cực hay tham gia chính quyền. 
  • Giống những người bình thường, trí thức có những nhu cầu sinh sống bình thường mà ai cũng có, có khác chăng là những nhu cầu của họ cao hơn vì vị trí trong xã hội của họ cao hơn mà thôi. Đứng đầu những lãnh vực có tính cách văn hóa, trí thức thường có những quyền lợi và ước muốn mà những lớp thượng thặng khác cũng có và chính vì quyền lợi chung mà tất cả những lớp người chóp bu cùng thoả thuận giữ nguyên hiện trạng (status quo), không mong muốn có xáo trộn làm tổn hại đến quyện lợi mà họ đang được hưởng. Chính vì vậy mà khó mà tin được rằng trí thức là giai cấp tiêu biểu sẵn sàng đứng lên chống lại trật tự hiện hành.
  • Từ bản chất trí thức không thích dấn thân, họ không thích tranh đấu càng không thích hy sinh những gì họ đang được hưởng - một cuộc sống yên bình . Nói cách khác trí thức thường không thích dính dấp đến chính trị, nói chi đến những cuộc tranh đấu đòi quyền sống của người dân hoạn nạn. Trước một cuộc cách mạng, họ thường thờ ơ, không hăng hái gia nhập và thường ngần ngại đứng chung với tầng lớp người nổi dạy. Trí thức chỉ nghĩ đến bản thân (egocentriste) và thích làm những gì có lợi cho bản thân. Trong bậc thang xã hội, trí thức cố vươn lên để được thỏa mãn những nhu cầu vật chất hay tinh thần hay cả hai. Khi những nguyện vọng cá nhân của họ đã được thỏa mãn thì họ nghĩ tới chuyện làm những việc "phi chính trị" như làm công tác văn hóa xã hội để được tiếng thơm hay được sự công nhận (recognition) của cộng đồng trí thức…
  • Mặc dù có thế có những sự đối kháng ngấm ngầm, trong những tình huống thông thường mối liên lạc giữa những giai cấp thượng tầng trong các lãnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa thường mang tính chất của một sự cộng tác. Khác với những giai cấp không may mắn, họ được hưởng những quyền lợi chung và do đó trí thức thường ủng hộ những kẻ đang nắm những quyền hành kinh tế và chính trị và không sẵn sàng làm những hành động tai hại cho cấu trúc quyền lực hiện hành. Hơn nữa trí thức tùy thuộc vào giai cấp cầm quyền để có được những tài nguyên cần thiết để họ có thể thi hành được nhiệm vụ sản xuất về mặt văn hóa của họ. Ngược lại giới cầm quyền về kinh tế và chính trị cũng thấu hiểu rằng trí thức có đầy đủ khả năng trí tuệ, sự hiểu biết nói chung, cũng như hiểu biết về ý thức hệ để hợp pháp hóa hay bất hợp pháp hóa nền trật tự hiện hành. Như vậy sự thỏa hiệp giữa giới trí thức và giới cầm quyền thể hiện vị thế thượng tầng và sự lệ thuộc lẫn nhau của hai giới này.

3.   Đại đa số trí thức không màng đến chính trị nhưng một thiểu số trí thức lại là những kẻ dấn thân hay hăng say hoạt động chính trị

  • Lịch sử cho thấy trong nhiều trường hợp xẩy ra - từ cuộc Cách Mạng Pháp và cuộc nổi dậy không thành công năm 1848 cho tới hai cuộc Cách Mạng Nga năm 1917 và năm 1989 -          trí thức đã tich cực tranh đấu chống lại nền trật tự sở tại. Chúng ta có thể hiểu sự mâu thuẫn này nêú quan niệm trí thức như là một giai cấp thượng tầng có khả năng tranh dành quyền lực một khi những điều kiện lịch sử đưa đẩy họ thách thức những giới nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế. Trong trường hợp này để đánh đổ hiện trạng trí thức sẵn sàng tuyên cáo tranh đấu vì ý thức hệ vì “người dân” hay vì “ tổ quốc” nhưng kỳ thực chính là vị họ muốn đòi dành nắm quyền lực.
  • Những trí thức (thiểu số) y thức vai trò chính trị của mình vì:
  • Đa số người dân lầm than, không vừa lòng với trật tự xã hội hiện hành, đã tỏ sự bất mãn của họ qua những cuộc biểu tình phản đối, những cuộc đình công bải thị, hay những lời phản kháng công khai. Trước hoàn cảnh này một số trí thức động lòng muốn ra tay nghiã hiệp, sẵn sàng đứng về phía người dân chống lại nhà cầm quyền. Khi đó trí thức sẽ xã thân tranh đấu cho quyền lợi của những kẻ thấp cổ bé miệng, họ hy sinh quyền lợi cá nhân để tranh đấu cho quyền lợi chung của đa số.
  • Những trí thức dám đứng ra chống lại giai cấp cầm quyền là những kẻ tự cho rằng mình có khả năng thay đổi hiện trạng và có nhiệm vụ lịch sử đó. Tất nhiên họ nghĩ tới lúc thành công thì chính họ sẽ ở địa vị cầm quyền. Chỉ bằng cách lên cầm quyền thì họ mới có thể thực hiện giấc mơ của họ - giấc mơ làm cách mạng, mang hạnh phúc no ấm, công bình bác ái, tự do dân chủ, phát triển đất nước v…v…

Kết  Luận:

Tìm hiểu về vai trò của trí thức trong sinh hoạt chính trị giúp chúng ta hiểu được tại sao đa số trí thức lại thờ ơ trước hoàn cảnh hiện tại của đất nước Việt Nam của chúng ta. Thái độ tiêu cực của trí thức được biện minh bằng ý nghĩ cho rằng họ không có khả năng làm thay đổi được gì hết. Tri thức trẻ cả trong lẫn ngoài nước đều chỉ nghĩ tới quyền lợi cá nhân - cố học cho thành tài, kiếm được công ăn việc làm càng nhiều tiền càng tốt, hưởng thụ một cuộc sống vật chất thật đầy đủ, càng văn minh tiến bộ càng hay – còn chuyện đất nước thì đã có người khác lo. Trí thức lớn tuổi thì phần lớn đã bắt đấu mệt mỏi sau cả một đời vật lộn với cuộc sống, chăm lo cho gia đình con cái, đến lúc này họ cũng mong sống sao cho sung sướng cái thân. Đọc bài “Why Viet Nam won’t fall” của tác giả Carl Robinson - http://www.worldpolicy.org/blog/2011/03/07/why-vietnam-wont-fall (xem bài dịch dưới đây), những ai còn chút tâm huyết không khỏi buồn tủi, chán nán trước một sự thật nảo nề. Trước thực trặng này vẫn có một số người - tỷ lệ rất nhỏ - lạc quan, họ vẫn giữ niềm hy vọng ở một ngày mai tươi sáng. Có điều đã mấy chục năm rồi chúng ta hy vọng và chúng ta còn hy vọng đến bao giờ?

Hướng Dương txđ
Tháng 7 năm 2011

 

Bài dịch:   http://huongduongtxd.com/cachmangkhoxayraovn.pdf

 

Trở lại Đầu Trang