Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Nhân Quyền tại Việt Nam và Áp Lực Quốc Tế
Hướng Dương txđ



Ngày 10 tháng Chạp hàng năm là ngày kỷ niệm bàn Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà gần 200 quốc gia đã ký cam kết tuân thủ theo vào năm 1948. Riêng Việt Nam đã ký vào năm 1988 nhưng cho đến nay nhân quyền vẫn không được tôn trọng, những quyền tự do của con người vẫn chưa được công nhận, trái lại Đảng và Nhà Nước vẫn thường xuyên ra tay đe dọa, ngăn cản, khủng bố, bắt bớ, cầm tù và đầy đọa những kẻ bất đồng chính kiến với nhà nước, những người đòi nhân quyền, cũng như những ai đòi xử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo mà chính bản Hiến Pháp của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công nhận.

Tình Trạng Nhân Quyền tại Viêt Nam
Chính quyền ở Việt Nam không tuân thủ bản Tuyên ngôn Nhân quyền mà họ đã ký kết vì không công bố chính thức sự ký kết này trong nước. Đảng và nhà nước chỉ coi đây là một hành động cần phải làm trên phương diện ngoại giao, một hình thức giả dối nhằm lừa gạt cộng đồng thế giới, chủ trương của Cộng Sản là cứ ký vào bản tuyên ngôn nhưng không cần phải tuân thủ. Những vi phạm về nhận quyền được biện minh bằng những lời lẽ nguỵ biện, những lời nói dối bẻ cong sự thật, dựng đứng lên những sự kiện không có để bào biện cho những hành vi coi thường con người như khủng bố, bắt bớ giam cầm mà không cần theo bất cứ cơ sở luật pháp nào ngoài những lời lẽ mơ hồ ghi trong Đoạn 88 của Bộ Hình Luật qui định tội "tuyên truyền chống lại Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Chỉ mới đây, vào tháng Chín năm nay chính quyền Việt Nam đã bắt bỏ tù nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền và quyền dân chủ để bịt miệng họ, không cho họ gióng lên tiêng nói tự do và quyền làm người của người dân.

Chính quyền Việt Nam không những phủ nhận những quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, thành lập đoàn thể của người dân mà bác bỏ cả quyền chọn lựa một chính thể theo ý muốn của họ. Những kẻ chống đối nhà nước bị đưa đi “cải tạo” tại những nhà tù ghớm ghiếc và phải chịu những nhục hình và những dày vò về mặt tinh thần, đầy đọa về thể xác vì bị buộc phải tự khai tự thú, lao động cực khổ mà không được cho ăn uống đầy đủ. Luật pháp của nhà nước không công minh, toà án xét xử tùy tiện. Ngành tư pháp không là một thể chế độc lập, mọi sự kết án đều tùy thuộc vào lệnh của Đảng, Đảng bảo có tội là có tội, quan toà chỉ ngồi làm vì, bỏ qua tai những lời bào chữa cho can phạm vì bản án đã có sẵn, chẳng cần phải đắn đó tìm hiểu, phán xét những dữ kiện, chỉ việc chờ đúng ngày giờ tuyên bố án lệnh. Phụ nữ, trẻ em và những dân tộc thiểu số bị bạc đãi, đối xử không công bằng. Nhà nước quay mặt làm ngơ đối với những tệ nạn xã hội như nạn mãi dâm, buôn bán phụ nữ, nạn trẻ em buộc phải lao động để kiếm sống và nạn phân biệt chủng tộc đối với những dân tộc thiểu số. Nhà nước luôn luôn tìm cách kiểm soát những tôn giáo: những nhà tu hành chân chính không tuân thủ mệnh lệnh của đảng cũng bị sách nhiễu, ngăn cấm hành xử nhiệm vụ của mình, bị cô lập hóa hay bị gán cho những tội “làm tay sai cho những lực lượng thù địch từ bên ngoài.” Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã bị kết án 25 năm tù vì ông đã thiết lập một phong trào bí mật đòi nhân quyền và một số những nhà lãnh tụ tôn giáo khác như cha Nguyễn Văn Lý và các nhà tranh đấu cho Dân Chủ như các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Thị Công Nhân lê Quốc Quân, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Đan Quế cũng đã vào tù ra khám nhiều lần. Thậm chí như nhà văn Dương Thu Hương, một người lớn lên trong xã hội Cộng Sản Miền Bắc trước đây cũng đã phải bỏ nước đi sang sống tại Pháp để khỏi bị sách nhiễu liên miên.

Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục tìm mọi cách để kiểm soát báo chí và mạng Internet. Luật lệ buộc những nhà báo phải bồi thường cho những cá nhân hay tổ chức bị báo gây thiệt hại mặc dù họ đã tường thuật những chuyện đã xẩy ra một cách trung thực và chính vì vậy mà những phóng viên  trở nên e dè không dám công bố những sự kiện mà họ đã điều tra. Nhà nước cũng ngăn cấm người dân không được tiếp xúc trực tiếp với Internet qua những cơ quan ban cấp dịch vụ ngoại quốc. Trong khi đó những cơ quan ban cấp dịch vụ Internet trong nước bị buộc phải tồn trữ những thông tin chuyển qua Internet trong một thời gian 15 ngày để các cơ quan an ninh có thời giờ kiểm tra và cho xét xử những hoạt động trên mạng. Gần đây nhất, Đảng ra lệnh phải kiểm soát gắt gao blogs của những cá nhân trên Internet, bắt và trừng trị những chủ nhân nào đăng tải những tin tức hay đưa ra những chính kiến có hại cho chế độ. Cơ Quan Quản Lý Truyền Thanh, Truyền Hình và Điện Tin đang dự tính thiết lập một bức tường lửa nhằm kiểm duyệt tin tức loan truyền trên những blogs và chặn đứng những trang mạng có hại cho nhà nước. Shawn Crispin, một nhân viên trong Ủy Ban Bảo Vệ Các nhà Báo có trụ sở đặt tại Nữu Ước tuyên bố: “Cơ quan này là một dụng cụ khác nữa để diệt tự do báo chí ở Việt Nam.”
Nói về tự do tín ngưỡng thì bất cứ tôn giáo nào cũng phải khai báo với nhà nước mới được phép hoạt động, nhưng nhà nước vẫn giới hạn sinh hoạt của các tôn giáo trong những lãnh vực giáo dục, y khoa, và trợ giúp xã hội. Nhà nước còn tạo ra những tổ chức tôn giáo giả để lừa gạt người dân và một số những bậc tu hành đã quị lụy nhà nước để được dễ dãi hảnh xử nhiệm vụ dẫn dắt tín đồ của mình.

Trong Chế Độ Cộng Sản không thể có Nhân Quyển
Bản chất của chế độ Cộng Sản là một nên chuyên chính. Nền chuyên chính này xưa kia được mệnh danh là chuyên chính vô sản bởi vì quyền sở hữu của một cơ sở sản xuất như đất đai, dụng cụ máy móc và nguyên nhiên liệu đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước, theo bản chất mọi người dân đều vô sản. Trong nền chuyên chính vô sản, giai cấp tư sản bị triệt tiêu, những người có tiền của có đất đai nhà cửa đều bị đấy ải hay bỏ tù hay thủ tiêu, của cải của họ bị nhà nước tịch thu hết trong cuộc cách mạng vô sản.

Nhưng lịch sử đã xoay vần, nay đã có một giai cấp mới những nhà tư sản gồm những đảng viên nắm quyền hành trong tay. Chúng cấu kết với nhau để làm giầu một cách bất hợp pháp và nhanh chóng. Chúng bảo vệ lẫn nhau, chia nhau quyền hành chức vị để tha hồ tham quyền cố vị, tham nhũng, ăn hối lộ công khai, vơ vét của cải của nhà nước và của nhân dân để trở nên tỷ phú, triệu phú. Giai cấp mới nay có vũ khí trong tay, dùng quyền lực để áp bức nhân dân, bóc lột lao động, tạo nên một chế độ chuyên chính khác còn tàn bạo hơn cả cuộc cách mạng vô sản trước đây của chúng và những chế độ tư bản thực dân phong kiến mà chúng lên án. Để có thể tồn tại mãi mãi chúng cai trị một cách thô bạo, dùng những mưu chước để lừa gạt người dân, áp dụng những phương thức cai trị dã man căn cứ trên sự khủng bố đe doạ, tuyên truyền đầu độc, kiểm soát ngăn chặn, bắt bớ giam cầm và đầy đoạ mà không cần theo công lý. Chúng đã áp đặt lên đầu lên cổ nhân dân một thể chế chuyên chính mới gọi là chuyên chính tư sản đỏ.

Trong nền chuyên chính này không có quyền của kẻ bị cai trị. Đảng và nhà nước vẫn áp dụng những đường lối sách lược cai trị của chế độ Cộng Sản trước kia, mặc dù bản chất của chủ nghĩa mới không còn là Cộng Sản, quyền tư hữu đã được tái lập và những phương thức sản xuất nay đã rơi trở lại vào tay tư nhân.  Bây giờ không còn ai nói đến quyền sở hữu chung. Trái lại chủ nghĩa cá nhân và nhu cầu bảo vệ quyền sỡ hữu tư sản chưa bao giờ lên đến mức độ cao như lúc này. Vì giai cấp đang cầm quyền muốn duy trì  quyền được hưởng những quyền lợi tốt đẹp đang có trong tay nên chúng dùng mọi phương thức kể cả những thủ đoạn gian manh và bất nhân nhất để đạt được sự mong muốn của chúng. Chúng chỉ coi trọng chính bản thân chúng mà thôi, đâu đoái hoài gì đến những tầng lớp khác trong xã hội? Nói cách khác chỉ có nhân quyền cho những kẻ trong Đảng và nhà nước, ngoài ra không ai có nhân quyền.

Cộng Đồng Thế Giới có thể Làm Gì để Đem Lại Nhân Quyền cho người Dân Việt?
Các tổ chức nhận quyền vả những chính phủ các quốc gia trên thế giới không thể làm gì hơn là lên án những vi phạm nhân quyền, kêu gọi Việt Nam tôn trọng những quyền của con người và làm áp lực để buộc Việt Nam phải trả tự do cho một số nhà đấu tranh cho dân chủ đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ. Cả ba hành động nói trên đều hoặc không có hiệu lực tích cực nào cả hoặc chỉ hiệu lực thật yếu ớt và rất giới hạn. Lên án sự vi phạm nhân quyền và kêu gọi sự tôn trọng nhân quyền là hai điều làm vô tích sự vì chính quyền Việt Nam bỏ qua tai những lời chỉ trích hay kêu gọi, ai nói gì thì nói, chúng có nghe đâu mà quan tâm? Vả lại chỉ trích và kêu gọi không có tác động đe dọa, không đi đôi với sự trừng phạt, do đó không có hậu quả tai hại nào cho Việt Nam nếu Việt Nam cứ làm ngơ, hay chỉ phản ứng lại một cách lờ mờ, không ra sao cả. Trường hợp các nước làm áp lực để buộc Đảng và nhà nước phải thả một số người bị cầm tù ra thì nhà cầm quyền thả một hai người tượng trưng, thả rồi lại bắt lại mấy hồi? Đôi khi Đảng và nhà nước thả cho một hai người đi ra khỏi nước cho khuất mắt, không còn cơ hội tác hại chế độ nữa.

Những quốc gia trên thế giới, những nước như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Cộng Đồng Âu Châu nói chung, Tân Tây Lan, Úc Châu và Hoa Kỳ  và những tổ chức quốc tế như Amnesty International, Human Right Watch, Reporters without Borders, và Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là những thành phần chủ yếu thường đứng ra chỉ trích, kêu gọi, đòi hỏi Việt Nam thực hiện bản Tuyên Ngôn Nhân quyền. Nhưng cuối cùng chẳng có kết quả thực tế đáng kể nào. Khi Hoa Kỳ chẳng hạn để tên Việt Nam vào danh sách những nước vi phạm nhân quyền thì chánh quyền Hà Nội thả một số những nhà bất đồng chính kiến ra khỏi nhà tù và tạm ngưng đe dọa làm khó dễ một số nhà lãnh đạo tôn giáo để được bỏ tên ra khỏi danh sách đó. Sau đó lại tái diễn màn bắt bớ, xét xử, bỏ tù, và Hoa Kỳ lại cho tên Việt Nam trở lại vào danh sách. Thật chỉ là một trò hề.  Ngay cả Dự luật Nhân Quyền 3089  cho Việt Nam (Vietnam Human Rights Act of 2007 H.R. 3096) bản chất cũng chỉ nhằm “khuyến khích tự do và dân chủ cho Việt Nam” (To promote freedom and democracy in Vietnam. Tại sao có tình trạng này? Một phần tại bản chất ngoan cố của Cộng Sản Việt Nam coi thường cộng đồng thế giới, phần khác là vì “quyền bất khả xâm phạm vào nội bộ của Việt Nam” mà các nước phải công nhận theo luật quốc tế. Trong khi thế giới coi đó là vi phạm nhân quyền thì Việt Nam lại nói đó là những hành động “phá rối nền an ninh quốc gia.” Ông nói gà bà nói vịt là thế!

Kết Luận: Nói đến nhân quyền là nói đến quyền làm người của mọi người dân sống trên mảnh đất Việt Nam chứ không thể chỉ nói đến nhân quyền của một số người tranh đấu cho tự do dân chủ và bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ giam cầm hay làm khó dễ. Như thế việc đòi nhân quyền cho toàn dân Việt Nam không thể thực hiện được một cách nửa với như kêu gọi hay đòi hỏi. Ngày nào còn chế độ Cộng sản thì ngày đó không có nhân quyền. Chỉ sau khi chính thể Cộng Sản xụp đổ mới mong thực hiện nhân quyền theo đúng nghĩa của nó.

Hướng Dương txđ
Tháng 12 năm 2008

 

Trở lại Đầu Trang