Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

 

Giáng Sinh Năm Ấy

Truyện Ngắn Tình Cảm

Tôi đã mặc quần áo chỉnh tề, sẵn sàng chờ Thi đến đón. Nhìn vào gương, tôi sửa lại chiếc cravate lần chót, tự ngắm mình trong bộ complet mầu xanh đen mà người hàng xóm đã cho tôi cách đấy mấy tháng khi tôi mới tới định cư tại nơi đây. Thời gian đó, tôi đã thường đi theo người sponsor đến nhà thờ để được những người trong cộng đồng Do Thái cho quần áo cũ. Quần áo đó nói là cũ nhưng còn rất tốt đối với tôi, một kẻ rách mướp chân ướt chân ráo vừa từ Việt Nam đến xứ này tị nạn vì nhiều cái còn mới tinh, chỉ mới được mặc một hai lần. Vì khổ người tôi tương đối lớn, không thua gì dân Mỹ, phần lớn những quấn áo nhận được tôi đều mặc vừa. Lần đó, tôi đã nhận được mấy chục áo chemise, quần tây, áo ấm, áo complet, và cả một áo pardessus xanh đậm rất đẹp, nếu mua chắc cũng tốn nhiều tiền lắm.

Từ một xứ nghèo nàn chết đói đến, tôi đã không quen nhìn những bộ quần áo đó vì đã bẩy năm, tôi đã không thấy ai mặc complet, đeo cravate ở Saigon và những loại quần áo âu tây sang trọng đó đã trở thành một thứ xa lạ đối với tôi. Không phải vì tôi nhà quê, nhưng là vì sau khi cộng sản xâm chiếm miền Nam - phần nửa quê hương tôi còn tí tự do, dân chủ và văn minh - tất cả mọi người dân chúng tôi đã trở nên quê mùa, thiếu văn minh.  Khi con người khổ sở cả vì miếng ăn thì ai nghĩ đến mặc đẹp, ai nghĩ đến lễ nghi, đến sự sang trọng? Nay tôi đã ở Mỹ, tôi lại được sống con người thật của tôi, con người văn minh, biết ăn diện, biết lễ nghi phép tắc.

Hôm ấy là ngày hai mươi lăm tháng chạp năm tám mươi mốt, ngày mừng lễ Giáng Sinh. Đã bao nhiêu năm tôi không biết mừng Giáng sinh là gì nữa. Đối với phần đông mọi người, ngày Giáng Sinh là ngày nghỉ, ngày lễ để ở nhà vui chơi, nhưng đối với tôi nó đã là ngày  đi làm cực khổ hơn để kiếm ra tiền nhiều hơn bình thường. Những ngày dài lê thê ở Saigon, tôi đã sống bằng lao động chân tay. Tôi vốn dĩ sống bằng lao động trí óc, vì xưa kia tôi là một thầy giáo. Trước ngày xẩy ra cái gọi là “cách mạng thành công” tôi đâu biết đến lao động? Tôi đâu bao giờ cầm cuốc sẻng hay kìm búa đâu mà bảo tôi biết lao động? Tay tôi chỉ cầm cục phấn hay cái bút, công tác thể xác nặng nề nhất của tôi chỉ là viết lên bảng hay phê lên bài viết của học sinh. Ấy thế mà sau đó, tôi đã trở nên một tay lao động chân chính, biết khuân vác, biết cầm kìm, cầm búa, cầm đục, và thảm hại hơn nữa, biết cong lưng đạp chiếc xích lô để chở người hay hàng hoá, và đôi khi cả hai. Những ngày giáng sinh ai nấy đi chơi nhiều, tôi có thêm mối chở và kiếm được gấp đôi gấp ba ngày thường. Tẩt cả giá trị con người đã chỉ còn là ở đồng tiền - nói theo Karl Marx, đó là giá trị kinh tế của con người. Vi thế những ông già bà cả hay những ông sư bà vãi, nếu không sản xuất hay góp phần trong sản xuất, sẽ không có tí giá trị kinh tế nào hết và vì không làm họ sẽ không được ăn. Vì thế mẹ tôi, tuy đã hơn bẩy mươi, vẫn còn phải “tham gia sản xuất” bằng cách trông coi các cháu - tức là con cái hai vợ chồng tôi - để chúng tôi đi sản xuất, vợ tôi đi làm công nhân trong một nhà máy chế tạo dược phẫm dân tộc, còn tôi thì đi đạp xích lô.

 Nói nhà máy chế tạo dược phẫm dân tộc nghe cho nó vui tai chứ thực ra đó là nơi chặt băm cây cỏ trước kia chỉ mọc dại trong rừng không ai biết đến, nay vì không có dược chất hóa chất để sản xuất thuốc tây nên phải lấy về mà xay rồi viên lại thành cái mà người ta gọi là thuốc tễ, hay băm chặt ra, bỏ vào nồi, đổ nước vào mà bỏ lên bếp củi - hay tệ hơn nữa là bếp mạt cưa - mà đun mà nấu cho nó đặc sền sệt lại, rồi đem đổ vào chai vào lọ, dán nhãn hiệu lên, gọi là thuốc dân tộc. Quả nhiên đó là thuốc dân tộc vì trăm năm trước ông cha ta làm gì có thuốc tây mà dùng? Nay chúng ta lại trở về trăm năm trước, sống cái thời cổ xưa của dân tộc ta là thế! Đó là cái ý nghĩa mỉa mai của hai tiếng “cách mạng” và “đổi đời”. Thay vì đổi mới, thì ta đổi bằng cách trở về cái cũ, cái xưa, cái của thời ông cha ta.

Tiếng chuông cửa làm tôi giật mình tỉnh mộng. Thi đã đến để đưa tôi đến nhà Thảo, người em gái nàng, ăn bữa cơm tối mừng lễ Giáng Sinh. Em vào chào hỏi nói chuyện đdôi ba phút với bà G. Bà G. là người bảo lãnh tôi đến Mỹ, nói nôm na bà là người khi đó nuôi tôi cơm ăn ngày hai bữa, cho tôi một cái giường để tối đến tôi có chỗ nằm ngủ. Đền bù lại, tôi phải mỗi ngày dẫn chó của bà đi tè đi ị bốn năm lần, và tối đến sau bữa cơm, tôi phải đứng nửa giờ trong nhà bếp rửa bát, điã, niã, thìa, dao. Khốn khổ cho cái thân tôi, tôi còn phải chùi, đánh bóng, lau khô và cất đi năm bảy cái nồi, soong, chảo. Những ai không thường xuyên làm cái công việc không khó khăn nặng nhọc nhưng rất nhàm chán ấy này sẽ không hiểu được cái khổ của tôi. Do đó, trong đầu tôi khi ấy chỉ mong chóng đến ngày đủ lông đủ cánh bay đi tìm “tự do độc lập hạnh phúc”.

          Xong chưa anh? Mình đi chưa?

Trông Thi vẫn như xưa, tuy không đẹp nhưng vẫn dễ thương, vẫn phảng phất cái vẻ xinh xinh của người con gái mà tôi đã thương thầm cách đấy gần hai chục năm về trước, khi cả hai đứa còn học chung ở Đại Học Sư Phạm. Ngày ấy tôi thương em trong chiếc áo dài mầu vàng nhạt và tôi đã làm thơ tặng em. Em đã hãnh diện, em đã vui thích, nhưng không hiểu vì lý do gì, em đã không đáp ứng lại. Tôi đã khổ sở nhiều vì mối tình một chiều ấy, không phải chỉ vì tôi đã thương em quá nhiều mà còn là vì tôi đã bị chạm tự ái. Hồi ấy tôi đẹp trai thông minh và có bao nhiêu em gái thương thầm, mong được tôi yêu lại. Nói cách khác tôi chưa bị gái chê. Vì tự kiêu, tôi càng bị hắt hủi càng đeo đuổi em và em càng làm cao. Để rồi càng tức càng buồn, tôi càng cố chinh phục em. Thật là cái vòng lẩn quẩn không đưa đến đâu, tôi đã tự làm khổ tôi một thời gian không ngắn. Tôi đã không hiểu được vì sao tôi không đạt được cái nguyện vọng quá tầm thường như thế.

Sau này em đi lấy chồng, chồng em ở ngoại quốc về, em cũng đi Mỹ tu nghiệp, về nước em cũng làm lớn. Cuộc đời em lên hương, nếu không có cái gọi là “Đại Chiến Thắng Mùa Xuân” thì em đã sung sướng hạnh phúc nhất đời. Nhưng mỗi người đều có số mạng, đều có những đại hạn, tiểu hạn sướng và khổ. Sau một đại hạn tốt, công danh hai vợ chồng em lên như diều gặp gió, là tiểu hạn xấu, gia đình em đi vượt biển, chồng em bị hải tặc giết, em thành góa phụ. Ôi cái cảnh chung của bao nhiêu gia đình vào cái thời kỳ bất hạnh đó!

Ngày tôi đến Mỹ, tôi không hiểu bằng cách nào em đã biết, em tìm ra số điện thoại nơi tôi ở để gọi hỏi thăm. Lòng ưu ái của em đã làm tôi cảm động không ít! Như trăm ngàn người tị nạn khác, tôi đang sống bơ vơ trên xứ người, tôi đang cảm thấy cô đơn lạ lùng. Xa quê hương, xa gia đình, xa những bạn bè thân quyến, tôi đang một mình xoay sở, một mình đang tìm cách đối phó với cuộc sống mới. Tôi đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng, tinh thần xa xút khủng khiếp. Ngày còn ở Saigon tôi đã tưởng đi được tới vùng đất tự do thì cuộc đời tôi sẽ lên hương, tôi sẽ có một cuộc sống thật sung sướng. Nhưng nay tôi đã nhận thức ra rằng sự thể không đơn giản, con người không chỉ đi tìm tự do và cơm áo, còn những đòi hỏi tình cảm không thể thiếu được. Tôi đã thấy cuộc sống vô vị, sự cô đơn đã từ từ gặm nhắm hồn tôi. Sống ở một nơi không có bao nhiêu người Việt đến lập nghiệp, tôi đã không tìm được ra bạn để làm quen, để chia xẻ tâm tư, để ban cho nhau tí an ủi, làm ấm lòng nhau đôi chút nhất là vào cái mùa đông lạnh lẽo.

Tôi biết Thi chẳng thương gì riêng tôi. Vì thông cảm cái khổ khi phải ra đi khỏi quê hương, đến xứ người lập lại cuộc đời, em đã sẵn sàng ban chút hạnh phúc cho những kẻ khốn nạn khốn khổ như tôi.  Em gọi nói chuyện điện thoại với tôi, xong hẹn cuối tuần sẽ đón tôi về nhà em chơi.  Lần đó, em đã đưa tôi về nhà ăn cơm, cơm chỉ đơn giản thịt kho nước dừa, dưa giá, nhưng tôi sao thấy ngon quá, chưa bao giờ ngon như vậy trong đời! Có lẽ vì suốt gần nửa năm lăn lóc nơi các trại tị nạn và hai tháng hơn ở Mỹ, tôi đã không được ăn những thức ăn Việt Nam thuần túy đó. Tị nạn bên Thái, cơm chỉ cá hộp thứ rẻ tiền do các chính phủ khắp thế giới tặng cho dân tị nạn, hay cá ươn nấu trong nước muối tanh khiếp hồn nhưng cũng vẫn phải nuốt. So với mì sợi làm bằng bột mì nhung nhúc những con bọ đen, bo bo trước kia dành cho trâu bò Liên Sô ăn, khoai lang hà hay khoai mì thối mà trước bẩy mươi lăm chỉ đem vứt thùng rác, những thức ăn mà toàn dân miền Nam đã phải nuốt vào những năm bẩy bẩy, bẩy tám ở Saigon, thì những bữa cơm tị nạn đó còn ngon chán! Sang đến Mỹ tha hồ thịt bơ sữa bánh mì, nhưng ăn hoài cũng ngán, được ăn tí thịt kho mằn mặn ngọt ngọt, phảng phất mùi nước mắm và nước dừa, hương vị quê hương, thấy sao nhớ Saigon ơi là nhớ!

Lần đó, ngồi trong xe hơi em lái phom phom, tôi thấy cuộc đời em đã lại lên hương! Rồi về đến nhà em, thấy salon, tủ lạnh, ti vi, tôi đã mơ ước một ngày đẹp trời nào đó, tôi cũng có được những thứ hàng xa xỉ ấy! Ôi sao ước mơ của tôi lúc đó lại có thể tầm thường đến như thế?

Anh đã bắt đầu kiếm việc làm chưa?

Tôi mới chân uớt chân ráo đến Mỹ. Có lẽ em tò mò muốn biết tôi có đang hưởng trợ cấp hay không. Tôi chẳng buồn nói với em rằng bà G. không muốn tôi ăn oen phe vì bà coi tôi là trí thức, ăn oen phe là nhục.

Tôi đã đi làm từ lâu rồi đấy chứ!

Anh làm sao đi lại? 

Ở cái xứ Mỹ đất rộng đường dài này làm sao đi lại nếu không có xe hơi? Nhưng khi đó tôi vẫn còn tinh thần Việt Nam. Đi gần tôi đi cuốc chân, đi xa tôi đạp xe đạp. Lâu lâu tôi mới dùng xe buýt vì thành thật mà nói tôi đâu có tiền để mua vé? Tôi nói để tự an ủi:

Tôi đi xe bus, đôi khi đi bộ.

Em không hỏi tôi làm gì. Em dư biết mới sang như tôi thì chỉ làm những công việc vặt, những công việc lao động tay chân bốn năm đồng một giờ là cùng, hỏi ra chỉ thêm đau lòng. Tôi tự hỏi hồi mới đến Mỹ em làm gì mà sao mới hai năm sau em đã tậu được đủ xe hơi nhà lầu, sống một cuộc sống ngon lành như vậy. Tôi không dám ngỏ lời, nhưng tôi đoán em đã không phải làm những công việc tầm thường như tôi, công việc cu li khuân vác những thùng rau cải và trái cây cho một tiệm Đại Hàn, hay thu ngân cho một siêu thị Do Thái.

Anh có tính xin đi dạy học trở lại không? Ở New York City, có nhiều nơi cần giáo sư song ngữ người Việt mình…

Tôi đã không muốn đi dạy trở lại nhưng làm gì hơn bây giờ? Chẳng lẽ cứ đi làm cu li như thế mãi? Đi dạy dù sao cũng thoải mái hơn và kiếm được khá tiền hơn.

Tôi cũng đã nộp đơn ở Brooklyn và đang chờ họ kêu.

Em yên lặng không nói gì. Em biết tôi không thích cái nghề gõ đầu trẻ này từ khi còn Saigon. Chẳng vì thế mà tôi đã dành tám năm học luật, để đến khi miền Nam xụp đổ, công mất toi, ước vọng cho một tương lai tươi sáng hơn xụp đổ theo. Tôi cũng chẳng thèm buồn, vì đó là cái chịu chung do thời cuộc đưa đến, mấy chục triệu người chúng tôi đã phải rơi vào cùng cảnh ngộ thiệt thòi mất mát, khổ sở. Tôi còn may mắn hơn nhiều người vì đã trốn đi và thoát được khỏi cái cảnh khốn nạn khốn khổ còn kéo dài bao nhiêu năm sau đó.

Tôi có thể xin một chiếc xe hơi cũ để anh dùng tạm, anh có muốn không?

Mắt tôi bỗng sáng lên tựa như đôi mắt đứa bé mẹ hỏi có cái kẹo vừng kẹo lạc có muốn ăn không. Nhưng tự ái không cho phép tôi bộc lộ sự vui mừng vào lúc ấy. Tôi giả vờ ngây ngô:

Tôi chưa có bằng lái, lấy xe về làm gì?

Thì anh đi xin bằng lái chứ gì?

Rồi em nói em sẽ liên lạc với chủ xe và sẽ cho tôi biết khi nào có thể đến lấy về. Tôi chẳng dám hỏi em xe đó là xe gì, còn tốt hay không. Biết em là người sáng suốt, tôi đã tin rằng nếu xe không còn dùng được em đã chẳng xin. Có điều tôi đã rất ngạc nhiên trước sự thể có người sẵn sàng cho không một chiếc xe hơi. Chuyện đó chỉ có trên đất Mỹ, làm sao có được ở Việt Nam?

Mình sắp đến nhà Thảo chưa vậy?

Tôi đã muốn thoát khỏi sự giằng co của lý trí. Tôi đã nửa muốn có một chiếc xe để đi lại cho dễ dàng, nửa không muốn xấu hổ vì phải đi ăn xin, nhất là trước mặt Thi.

Gần tới rồi. Chừng năm phút nữa thôi à. Sao anh nóng ruột vậy?

Tôi thán phục tài lái xe của em khi thấy chiếc xe chạy vèo vèo trên những con đường trơn trượt vì tuyết rơi đã đóng băng đen láy trên mặt lộ. Hai bên đường tuyết phủ trắng xóa, trông tựa những cảnh đẹp tuyệt vời mà xưa kia tôi đã chỉ thấy trên những thiệp Giáng Sinh. Đấy là lần đầu trong đời tôi đã thấy tuyết rơi và biết đến cái lạnh khũng khiếp của mùa đông xứ người. Hơn nữa mùa đông tại New York năm đó, cái mùa đông tiếp đón tôi đến tị nạn, đã lạnh hơn và nhiều tuyết hơn hơn mọi năm trước.

 Tôi nhớ lại những buổi sáng sớm tinh mơ, khoảng sáu giờ, chưa có ánh sáng mặt trời, tôi đã phải ra khỏi nhà để đi bộ tới làm cu li tại tiệm bán rau quả của một người Đại Hàn. Đi trong đêm tối, tuyết ngập lên đến tận mắt cá chân, tôi thấy mặc dù đã sống trên đất tự do cuộc đời sao vẫn còn quá vất vả và tôi đã thầm hỏi chính mình khi nào thì vận đen của tôi mới hết, bao giờ tôi mới bớt khổ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi tự nhủ mình còn sướng chán. Hồi tôi còn ở Saigon tôi đâu có thể kiếm tiền dễ dàng như bấy giờ? Tuy không làm ra được bao nhiêu tiền nhưng vẫn đủ tiêu, đủ để mua cà phê uống, thuốc thơm hút. Thỉnh thoảng, tôi đã có thể mua chai cognac nhỏ bỏ sẵn túi áo trong để, khi không có ai xung quanh, lấy ra làm một ngụm cho ấm bụng. Nếu còn ở Saigon, tôi đã phải uống gạo rang thay cho cà phê, hút thuốc rê tự quấn lấy, và rượu thì chỉ có thứ đế rẻ tiền cất từ bã mía. Hơn nữa, nay tôi đã có thể nhìn thấy cái ánh sáng le lói nơi đường hầm, tôi đã có thể tin rằng những công việc tôi đang làm chỉ là những công việc mà tôi tạm thời phải làm để sinh sống, chờ ngày vươn lên. Tôi đã tin rằng mai đây nếu quyết tâm tranh đấu, tôi sẽ khá, cuộc sống của tôi cũng sẽ sung sướng như Thi. Những ngày đen tối mịt mù của cái thời xa xưa, khi tôi còn ở lại quê nhà, nay đã trôi đi để không bao giờ trở lại, tôi không còn nghĩ sẽ phải đạp xích cho đến khi chết nữa!

Đến nơi rồi! Anh nghĩ gì mà trông buồn quá vậy!

Đâu có? Tôi làm sao buồn được khi ngồi cạnh Thi?

Thôi đi anh, đừng sạo nữa!

Gần hai mươi năm trước, có thể em cũng đã nghĩ tôi sạo, tôi bông đùa với tình yêu, tôi đã không thương em thật. Thi dục tôi:

Anh vào đi! Đứng ngoài ấy làm chi cho lạnh?

 Có tiếng ai đó từ sau cánh cửa hé mở:

Mời anh vô! Lâu quá mới lại gặp anh! Trông anh vẫn như xưa…

Cám ơn Thảo đã nghĩ đến tôi và cho tôi đến dự lễ Giáng Sinh với gia đình…

Có gì đâu anh? Anh vô đây đi.

Hai mươi năm rồi tôi không có dịp thấy lại người con gái có chiếc răng khểnh, chiếc răng làm em có thêm duyên khi cười. Ngày tôi biết em, em mới mười lăm mười sáu, còn học đệ tứ hay đệ tam gì đó tại Gia Long. Tôi đã đặt tên cho em là “cô em gái của Thi”. Dạo ấy, em còn là đứa bé gái nho nhỏ xinh xinh, thường hay ra ngồi với chị và các bạn của chị ngoài vườn, nơi gốc cây soài. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười chúm chím tươi như bông hoa hồng của em. Ôi cái tuổi còn ngây thơ, cái tuổi còn chưa biết rõ yêu đương ra sao, còn tập tễnh đi vào thế giới thần tiên của ảo mộng, cái tuổi mới biết hồi hộp, mới thấy tim mình đập nhanh hơn lên vì yêu, cái tuổi bắt đầu có ước muốn vẩn vơ, sao nó trôi đi nhanh quá thế! Ngày ấy em đang dò dẫm tìm hiểu về cuộc đời, em đang thèm làm người lớn, thèm biết, em đã muốn có người yêu. Nay thì em đã là một người mẹ với ba đứa con sắp đến tuổi dậy thì.

Khi xưa, tôi đã muốn coi em như người em gái nhưng em lại không chịu, em muốn thương tôi. Thế rồi đến lúc nào đó cảm tình của em đã làm tôi bâng khuâng, em đã thương tôi thiệt và tôi cũng bắt đầu mến em hơn. Nhưng Thi cho rằng em còn nhỏ chưa biết gì, không được nghĩ đến yêu đương.  Thi đã cấm em đi vào con đường tình ái lộn xộn, muốn em phải chú tâm vào việc họcđể lo cho tương lai. Thi đâu biết rằng chính con tim xúi người ta yêu, đâu phải bộ óc? “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu đươc”, Racine đã chẳng nói như thế? Thi đã tìm cách ngăn cản mối tình giửa hai đứa chúng tôi và trong một lá thư cho tôi nàng đã viết “Tôi van xin anh, xin anh hãy buông tha cho em tôi!”

Buông tha? Tôi tự hỏi tôi có làm gì đâu mà buông tha? Tôi có dụ dỗ, đeo đuổi, hay tống tình Thảo đâu? Thảo thương tôi vì em thương tôi, tôi đâu có làm điều gì để em phải thương tôi? Và nếu tôi có thương Thảo, thì cũng đâu có tội gì? Thượng Đế tạo cho con người con tim để biết cảm xúc, biết thương, biết yêu. Ai cấm ai thương yêu bao giờ? Và tôi nhớ lúc tôi mang lòng yêu Thi thì em có cấm tôi yêu đâu mà bây giờ em lại cấm đoán, em lại ngăn chặn, em lại dùng lời van xin? Tại sao lại phải van xin? Cứ để cho tình yêu nẩy nở, quá lắm thì chúng tôi kết duyên với nhau, đâu có gì phải thắc mắc lo lắng?

Tôi không nhớ đêm Giáng Sinh năm đó tôi đã làm gì. Tôi cũng chẳng nhớ tôi đã nói gì với những ai. Có một điều chắc chắn là suốt tối hôm đó hồn tôi đã chìm vào một cơn mê đưa tôi trở về quá khứ, trở về với những ngày xa xưa, những ngày thần tiên nhất đời tôi. Những ngày đó, tôi đã được sống tận cùng những rung động của con tim, con người tôi đã được sống trung thực nhất, tôi chưa bị những kinh nghiệm đau thương dày vò, chưa bị hoàn cảnh nghiệt ngã chi phối. Cuộc đời sinh viên quả thật là quá nên thơ, ai mà chẳng tiếc chẳng nhớ?

Tôi nhớ đến Nguyệt, người bạn gái Thảo đã giới thiệu với tôi khi em thấy tôi buồn vì phải xa lánh em. Em muốn tôi vui, em muốn tôi quen với Nguyệt để em dễ dàng theo dõi tình trạng tâm hồn tôi, lo cho tôi. Dư âm cay đắng của mối tình tôi đã dành cho chị em vẫn còn đó, em đã thấy và em không muốn tôi kéo dài thêm sự đau khổ. Nghĩ đến Nguyệt, tôi nay thắc mắc không biết giờ này em đang ở đâu, em còn nhớ “người anh trai” này hay không?

Tôi nhớ đến lần tôi đi ciné ở rạp Lê Lợi, phim chiếu hôm đó, “Một Ngày Như Mọi Ngày”, mang câu chuyện tình của một nhà văn - hình như Fitzgerald thì phải, tôi không còn nhớ rõ nữa. Tôi đã mê mải xem những cảnh yêu nhau, những cảnh tình tứ. Tôi đã say mê người đàn bà trong phim - do Ava Gardner đóng vai - vì nàng đẹp man dại, nàng có ánh mắt mơ màng thu hút hồn tôi suốt cuốn phim… Và khi phim hết, khi tôi rời khỏi rạp hát, đôi mắt còn đỏ hoe, thì tình cờ tôi đã thấy Thảo trong đám đông khán giả ra về. Không biết em có thấy tôi không, nhưng khi thấy em, tim tôi đã đập liên hồi, tôi đã đuổi theo chân em nhưng không kịp. Em đã nhanh chóng biến đâu mất. Em đi rồi, để tôi buồn vời vợi, Tôi đã thất vọng và thọc hai tay vào túi quần tôi đã đi bộ về nhà, lòng chàn đầy nhớ nhung.

Và tôi nhớ đến một lá thư trên giấy học trò em viết cho tôi, em trách tôi đã thay đổi, tôi không còn là tôi nữa, không còn là con người yếu đuối nhiều tình cảm mà em đã yêu, nhưng sau đó em lại nói rằng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài của tôi, bề trong của tôi vẫn thế đâu có thay đổi được. Trong lá thư đó em trích câu bất hủ Saint Exupéry đã viết trong cuốn Le Petit Prince “Cái tôi thấy chỉ là cái vỏ bề ngoài, cái quan trọng tôi không thấy được”. Nguyên văn em viết bằng tiếng Pháp, nét chữ mềm mại, tôi còn nhớ đến bây giờ, “Ce que je vois n’est que l’écorce, l’important est invisible”. Qua là thư đó, em thổ lộ cho tôi biết em đã thương tôi từ khi em còn rất nhỏ, khi em mới học đệ tứ, và ba năm sau, khi em viết cho tôi, em vẫn còn thương tôi. Những ngày đó, tôi đã bắt đầu yêu em, và nếu không có sự cản trở của Thi thì biết đâu giờ này tôi vẫn còn được có em bên tôi, tôi vẫn được em thương như thuở ấy?

Những gì ai làm vào cái đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi đã không biết, hay nay tôi không còn nhớ? Tôi chỉ nhớ tôi đã được tặng hai món quà Noel, một cây pipe và một bao đựng thuốc hút. Hồi xưa, tôi còn ngậm pipe và mê mùi thơm của thuốc Seventy Nine khi mới đốt như mê những mối tình thắm thiết lúc ban đầu. Tôi không biết ai đã ưu ái với tôi, người em hay người chị? Ai đã nghĩ đến tôi và cho tôi món quà ấy? Nó mang một ý nghĩa đặc biệt  đối với tôi vì nó là món quà đầu tiên tôi nhận được nơi đất lạ quê người và nó đã làm ấm lòng tôi suốt mùa đông năm đó. Cầm cây pipe ấm trong tay, tôi mường tượng nó là em, tôi ôm em trong lòng, em cũng ấm áp như thế, em cũng cho tôi cái cảm giác lâng lâng như khi tôi say thuốc, cái cảm giác hơi choáng váng giống như lúc bắt đầu say rượu. Nhưng tôi đã được ôm em vào trong lòng bao giờ đâu, tôi đã được hôn em đâu mà biết sướng như thế nào? Chẳng qua đó chỉ là ảo tưởng của con người đam mê thèm muốn mà không có, không được?

Ôi bao nhiêu năm thèm muốn chất chứa thành đồi thành núi. Trong nhưng giấc mơ ban đêm tôi đã thưc hiện với em những gì tôi đã không thực hiện được khi thức, tôi đã có những gì tôi không có được lúc tỉnh. Em hay đến với tôi vào những lúc tôi say, lúc tâm trí tôi đã bấn loạn, lúc tôi đã như Baudelaire đi vào một thế giới của vô tiềm thức. Những gì nằm trong tiềm thức tôi đã thoát khỏi nơi ấy để đến với tôi, để tôi được trong mê sảng sống hạnh phúc, sống trong cái sung sướng trọn vẹn cùng người em gái tôi thương yêu.

Tôi nhớ tối hôm ấy, sau khi Thi đưa tôi về, trong căn phòng nhỏ trên lầu có cửa sổ trổ ra mái nhà, tôi đã ngồi ngay nơi đó nhìn bầu trời óng ánh sao, ngồi hầu như suốt đêm uống cognac và hút thuốc. Tôi đã trở về với quá khứ sống lại những ngày thơ mộng xa xưa. Tôi đã sống lại những lần tôi thấy em, bé bỏng ngây thơ, đứng sau cửa vào vườn nhà ở Chí Hòa. Em bảo tôi chị Hai đi vắng khi tôi lấy cớ đến tìm chị Hai để được thấy em, để được thấy em ngượng ngùng đứng đó, nửa muốn nói chuyện với tôi, nửa muốn chạy trốn vào trong nhà. Đã bao lần tôi đến tìm chị Hai, em có đếm hay không? Bao nhiêu lần chị không có nhà để tôi được nghe em ra nói với tôi câu ấy, câu “chị Hai không có nhà”. Cần chi chị hai có nhà vì khi đó tôi đâu còn buồn, còn nhớ chị Hai? Tôi đâu còn đến tìm chị Hai, khi đã có “cô em gái của chị hai”?

Tôi không biết những gì đã xẩy ra sau đó, sau lần chót tôi được gặp em cách đây đã hơn ba chục năm. Thế rồi em lớn lên, em lấy chồng, em đi Mỹ ra sao, tôi không hề biết. Cho đến lần đó, thấy được lại em thì em đâu còn như trước? Ngày xưa có lần viết cho tôi, em đã nói rằng em đã hiểu tôi gần bằng chính tôi hiểu tôi, em muốn lo cho tôi như em lo cho chính em, em muốn tôi đừng khổ nữa để mắt tôi mất vẻ cay đắng đi. Không biết khi em thấy lại tôi, tôi còn đôi mắt cay đắng nữa hay không, tôi còn buồn như xưa nữa không, tôi còn cái tâm hồn mà em đã yêu hay không? Có một điều chắc chắn là bên trong cái vỏ anh hùng, tôi vẫn còn yếu đuối như xưa, tôi vẫn sống bằng tâm hồn, tôi vẫn buồn ghê gớm. Ce que tu vois, ce n’est toujours qu’une écorce, l’important est toujours invisible. Tôi còn nghe văng vẳng rất xa ai nói câu “ngày nào tôi không yêu anh nữa, tôi vẫn muốn giúp cho anh bớt khổ, bớt buồn, bớt thấy đời cay đắng.”

Lúc tôi đi ngủ thì sao đã phai, trời đã ửng sáng, và chai cognac đã hết quá phân nửa. Vừa lên nằm trên giường, tôi đã thiếp đi lúc nào không hay.

 
Viết tại San Francisco
Ngày
25-12-1982



Trở Về Trang Chính