Tỉnh trạng thất nghiệp gây ra bởi sự suy sụp của nền kinh tế toàn cầu là một tình trạng chung trên toàn thế giới nhưng riêng tại Trung Quốc và Việt Nam, nó đang là mối đe dọa cho sự an ninh của chế độ Cộng Sản. Những công nhân về quê ăn Tết khi trở lại thành phố sẽ không còn tìm lại được công việc làm trước đó. Mà số công nhân đã bị sa thải ngay từ giữa năm ngoái cũng đã lên tới con số khủng khiếp: hàng triệu người ở Trung Quốc và hàng trăm ngàn người ở Việt Nam. Trong tháng Mười Một năm 2008, riêng tại tỉnh Hoa Nam đã có trên hai triệu công nhân di động thất nghiệp trở về quê bằng xe lửa sau khi bị mất việc tại các thành phố. Trên toàn nước, con số ước lượng bởi nhà nước là 9 triệu người dân quê lên tỉnh làm việc đang thất nghiệp tại Trung Quốc và 300 ngàn sẽ thất nghiệp tại Việt Nam nhưng theo những quan sát viên ngoại quốc thì những con số trên thực tế cao hơn nhiều vì đa số những công nhân di động không đăng ký với chính quyền. Ước lượng thực tế số người thất nghiệp tại Trung Quốc lên tới 26 triệu chưa kể hàng triệu sinh viên tốt nghiệp hàng năm sẽ không kiếm ra việc làm. Tại Việt Nam chưa thấy có con số ước lượng thực tế nào được đưa ra.
Làm sao Giải Quyết Thất Nghiệp?
Chính quyền đã tỏ vẻ e ngại về tình hình công ăn việc làm của giai cấp công nhân và Bắc Kinh đã lên tiếng tuyên bố rằng năm 2009 sẽ là “năm khó khăn nhất của đầu thế kỷ” và đang tìm cách kế hoạch hóa nông thôn để tạo việc làm cho những kẻ vì mất việc ở thanh phố mà phải trở về quê sinh sống. Thế nhưng hàng năm ngay tại nông thôn vẫn có người không thất nghiệp đổ lên các thành thị kiếm việc và con số này lên đến sáu triệu người. Tình trạng khó khăn này ở nông thôn làm cho những chính quyền địa phương phải lo ngại, họ đã cảnh báo rằng có thể sẽ xẩy ra tình trạng bất ổn khó lường trước được nếu nhà nước không có kế hoạch nhanh chóng tạo công ăn việc làm cho người dân. Bắc Kinh đã tuyên bố đặt trọng tâm của năm 2009 vào việc phát triển nông thôn. Trước đây, đa số dân ở nông thôn sống nhờ vào tiền của người nhà đi làm việc ở nơi xa gửi về, nay không những không còn nguồn lợi tức này nữa mà lại còn thêm miệng ăn của những người trở về nữa.
Tại Trung Quốc, nhiều công nhận đã bất bình muốn đòi quyền sống của họ và trong những tuần lễ gần đây đã bắt đầu có những cuộc biểu tình trên đường phố đòi trả lương và chống sa thải. Nhiều chủ nhân vỡ nợ không có tiền trả lương cho công nhân bèn tìm cách trốn. Tại Việt Nam thì biểu tình của công nhân đã xẩy ra dài dài nhất là trong năm vừa qua khi tình trạng lạm phát phi mã lên tới 28% làm cho đời sống của những công nhân trở nên khó khắn hết chịu đựng nổi. Họ đòi hỏi những chủ nhận ngoại quốc bớt bóc lột sức lao động của họ, trả cho họ mức lương sao cho họ đủ sống. Nhưng trong thời gian gần đây những cơ sở sản xuất tại Việt nam đã bắt đầu gặp nhiều khó khăn vì số đơn đặt hàng giảm sút thấy rõ - 30% trong đệ tam các nguyệt cuối cùng của năm ngoái – và còn tiếp tục giảm hay ngưng hẳn. Trong sự lo lắng không có việc làm, công nhân Việt Nam nay không còn dám nghĩ tới việc đòi tăng lương mà chỉ còn mong sao có công việc dù ở mức lương tôi thiểu. Tin mới nhất cho biết tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội mới ra lệnh cấm những chủ nhân và nhân viên ngoại quốc rời nước mà không xin phép. Ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa xẩy ra vụ một thương gia Đại Hàn khi qua cửa xét thông hành đã bị công an chặn bắt, không cho rời Việt Nam vì ông ta còn nợ thuế chính phủ và chưa trả $14300.00 tiền lương tháng 12 năm ngoái cho 97 công nhân. Tờ Thanh Niên đăng tin trên cho biết nhà nước đã tịch thu những máy may của công ty mà ông này làm chủ.
Bất ổn có thể xẩy ra trong năm 2009:
Chính phủ hai nước Cộng Sản này đang tìm những biện pháp để chặn đứng những động cơ có thể gây biến động xã hội tác hại tới sự ổn cố của chế độ, như khuyến khích các công ty giữ công nhân lại và giúp những kẻ bị thất nghiệp tự thiết lập những cơ sở làm ăn riêng để sinh sống tại địa phương. Để kích thích sự phát triển kinh tế thủ tướng Hoàng Gia Bảo của Trung Quốc đã tuyên bố vào th áng 11 vừa qua thành lập một kế hoạch xử dụng gần 600 tỷ đôla để thực hiện những công trình của nhà nước nhằm tạo công ăn việc làm cho những kẻ thất nghiệp – 3 tỷ đôla xây cất một hệ thống đường xe lửa ở miền Nam, 4.5 tỷ để xây xa lộ tại tỉnh Sichuan, 2 tỷ để xây một cây cầu ở Thượng Hải, v.. v.. - đồng thời ông đã cảnh cáo những nhà lãnh đạo quân sự là phải tuyệt đối tuân thủ những mệnh lệnh của Đảng Cộng Sản. Việc cảnh cáo giới quân sự cho những quan sát viên thấy rõ vai trò của quân đội trong việc duy trì an ninh của chế độ và sự lo lắng của những nhà lãnh đạo đảng về nguy biến có thể xẩy ra nếu tình hình kinh tế tệ hại hơn nữa. Trong ba tháng cuối năm 2008, phát triển kinh tế của Trung Quốc đã xuống tới mức 6.8% và những nhà nghiên cứu tình hình của nước này cho rằng tỷ lệ này sẽ còn xuống đến mức dưới 5 % trong năm 2009.
Tại Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã loan báo một kế hoạch để kích thích chi tiêu và giảm thuế nhằm giúp nền kinh tế thoát ra khỏi sự bế tắc hiện nay. Hà Nội cũng hy vọng mức phát triển trong năm 2009 sẽ là 6.5% nhưng Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế thì lại tiên đoán mức này chỉ có thể lên đến 5% mà thôi. Kế hoạch kích thích kinh tế này sẽ xử dụng 1 tỷ mỹ kim để trợ giúp trả tiền lời cho các nhà làm ăn và sẽ dành 25 tỷ mỹ kim qua sự quản lý của Ngân hàng Trung Ương để cho những cơ sở thương mại cở nhỏ và trung vay nhẹ lãi. Đồng thời nhà nước cũng đang hoạch định những biện pháp kinh tế khác, đặc biệt là biện pháp giảm thuế nhập cảng, thuế sản xuất, và thuế tiêu dùng. Các cơ sở nhỏ và cỡ trung sẽ được giảm 30% thuế sản xuất. Quan thuế cũng được giảm, đồng thời các nhà nhập cảng có thể hoãn trả thuế cho đến tháng 9 năm 2009. Các ngân hàng cũng được bớt điều kiện dự trữ tiền mặt để có thể cho vay nhiều hơn đồng thời nhà nước cũng đứng ra tài trợ nhiều kế hoạch kinh tế hơn. Nhắm mục tiêu tuyên truyền hơn là thực tiễn, trong Tết Kỷ Sửu vừa qua Đảng và Nhà Nước chia cho những gia đình có mức lương dưới $60.00 một tháng một món quà Xuân 200,000 đồng tương đương với $12.00, một số tiền quá nhỏ không đủ mua xắm gì, chỉ mua được 10 ký gạo ăn trong vòng 10 ngày cho một gia đình ba người. Hơn nữa số tiền dùng để giúp người nghèo này giới hạn ở mức 200 triệu đô la, với số ngân khoản này chỉ chừng 4 triệu người trên tổng số hơn 86 triêu dân được hưởng ơn mưa móc của Đảng mà thôi. Việt Nam đặt chỉ tiêu phát triển kinh tế là 6.5 % cho năm 2009 nhưng kinh tế gia Jonathan Pincus, giám đốc chương trình Fulbright Economics Teaching tại thành phố Hồ Chí Minh tiên đoán rằng mức tăng triển sẽ chỉ ở mức giữa 4 và 5% mà thôi. Ông khuyến cáo Việt Nam đặt trọng tâm vào những kế hoạch xử dụng sức lao động nhiều hơn là xử dùng vốn để tạo thêm công ăn việc làm, giúp những công nhân đang bị các cơ sở thương mại đóng cửa sa thải.
Sự bất mãn của giới lao động tại Trung Quốc:
Trong thời gian đầu, khi hàng loạt những nhà máy đóng cửa, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tìm cách đổ lỗi cho những công ty đó và đứng ra đóng vai trò cứu người bằng cách trả 60% lương công nhân thế cho những công ty bị phá sản. Nhưng công nhân bất mãn vì thấy mình bị mất việc luôn không còn phương cách nào sinh sống nữa. Hơn nữa sau ba tháng trả lương cho những công nhân mất việc tại các hãng xưởng trong tỉnh Quảng Đông, nhà nước nhận thấy không còn đủ khả năng để cứ trả 60% lương cho tất cả những người thất nghiệp, do đó số tiền này ngày càng ngày bị rút bớt, càng gây bất mãn cho những người mới mất việc sau này. Trong vụ chống đối nhà nước tại nhà máy làm va li JianRong ở tỉnh Đông Xuân tại miền Nam Trung Quốc, công an đã được đưa tới để chặn công nhân không cho họ rời xưởng và hơn 100 công nhân đã phá rào tấn công lại và hét lớn "Ở đây chúng tôi không có nhân quyền gì cả !" Với số thất nghiệp ngày càng gia tăng công nhân mất việc ngày càng tỏ sự bất mãn của họ một cách hung bạo hơn, vừa đòi thực hiện những phương thức sửa sai về mặt kinh tế, vừa nêu to khẩu hiệu tự do phát biểu và công bình trước pháp luật.
Năm nay tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới mức cao nhất kể từ ngày Đảng Cộng Sản lên cầm quyền vào năm 1949 và nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn còn nhớ vụ Thiên An Môn vào năm 1989, vụ này xẩy ra vì bất trắc kinh tế vào thời đó. Những quan sát viên ngoại quốc báo động rằng nếu tổng sản lượng xuống thấp hơn là 8% thì tai họa sẽ xẩy ra, khi đó tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị sẽ lên tới hơn 9% và tại nông thôn tới hơn 20%. Lý do là vì nhu cầu về việc làm sẽ quá lớn, nhà nước không thể cung cấp nổi. Hiện giờ tại Trung Quốc, 24 triêu người đang xâu xé giành giật 8 triệu việc làm mới được tạo ra. Thêm vào đó tệ nạn trộm cướp đang gia tăng, những liên đoàn tài xế xe taxi, giáo viên, và công nhân nhà máy đồng loạt đình công biểu tình và những người có tiền đâù tư vào chứng khoán cũng bất mãn vì thị trường xuống 70% mức sơ khởi. Cho đến nay chính quyền vẫn đủ sức kiểm soát những cuộc chống đối, Nhưng theo những nhà bình luận thì tình hình sẽ rất gay go nếu có một cuộc nổi dạy đồng loạt trên toàn quốc. Hoàng Hồ, một phóng viên của Cơ Quan Thống Tấn Tân Trung Quốc phát biểu : "Chúng ta đang ở thời kỳ thuận lợi nhất để có thể xẩy ra những biến cố lớn. Sang năm 2009 xã hội Trung Quốc sẽ phải đối đầu với nhiều xung đột và tài lãnh đạo của Đảng ở mọi cấp sẽ bị đem ra thử thách."
Trong hai thập niên trước, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, người dân được thoả mãn vế vật chất đã không nghĩ đến quyền dân chủ tự do. Nay kinh tế lụn bại, đời sống vật chất bị đe dọa, lòng dân bất mãn thể hiện rõ hơn qua những đòi hỏi về quyền tự do dân chủ. Vào tháng 11 vừa qua, tại Chung Kinh hai nông dân bất mãn vì ruộng đất của họ đã bị lấy mất đã liệng mực đen lên cờ của Đảng để thoá mạ chế độ Cộng Sản và vào tháng 12, hơn ba trăm giáo sư và trí thức đã đồng loạt ký vào bản hiến chương ’08 được lưu truyền trên mạng, Bắc Kinh vẫn còn đang truy lùng những người chủ mưu vụ này. Hiến chương ’08 là là bản tuyên ngôn đòi hỏi dân chủ tự do, công bình và tái thiết đất nước của người dân Trung Quốc. Lý Giang, một tay tranh đấu đỏi quyền lao động cho công nhân Trung Quốc thuộc tổ chức China Labor Watch ở Nữu Ước cho rằng những vấn đề xã hội tại Trung Quốc – như sự cách biệt giữ giàu và nghèo và quyền của người lao động - vẫn có từ lâu nhưng chỉ trong lúc này khi tình trạng kinh tế lụn bại người ta mới để ý tới. Ông nói ở Tây Phương cuộc khủng hoảng chỉ có tính cách kinh tế, còn ở Trung Quốc chủ yếu nó là chính trị.
Kết Luận:
Ở Việt Nam dường như người dân có khả năng chịu đựng tốt hơn cho nên chưa nghe nói tới những cuộc biểu tình xuống đường phản đối chính quyền, đòi quyền lợi thất nghiệp. Trước đây, thường xẩy ra những cuộc đình công đòi chủ nhân tăng lương vỉ tình trạng lạm phát làm cho đồng lương công nhân đem về không còn đủ sống nữa. Nhưng cho đến nay không nghe nói đến trường hợp nhà nước Việt Nam đứng ra trả lương thế cho công nhân tại những công ty phá sản hay buộc phải đóng cửa, mặc dù đã có dấu hiệu chủ nhân bỏ chạy lấy thân trước khi xập tiệm, như trường hợp công ty may nói đến ở trên. Rồi ra chắc nhà cầm quyền Việt Nam cũng sẽ phải ra biện pháp cấm những công ty nước ngoài không được đóng cửa nếu không có phép của chính phủ, một biện pháp hiện đang áp dụng ở Trung Quốc. Nói tới những biện pháp kích thích kinh tế thì ngay các quan sát viên quốc tế cũng phải đánh giá là rất hay nhưng họ tự hỏi: “Thế nhưng lấy tiền ở đâu ra để tài trợ kế hoạch tốt đẹp này?” Việt Nam không có một số dự trữ ngoại tệ lớn như Trung Quốc và khó mà nhà nước có thể gây quỹ bằng cách bán công khố phiếu. Hơn nữa tình hình tài chánh của Việt Nam lại đang gay go vì sự thiếu hụt trong cán cân xuất nhập cảng. Thêm vào đó, với tình trạng thối nát tại những cơ quan nhà nước thì bất cứ kế hoạch gì mà nhà nước đứng ra làm cũng khó tin được là nó sẽ hữu hiệu. Kinh nghiệm cho thấy những công ty quốc doanh đã làm ăn bê bối và đã thất bại như thế nào. Đồng tiền trước khi đi đến tay người dân đã rơi trước phần lớn vào túi các quan lớn của chế độ. Đó là điều làm cho người dân không có niềm tin ở bất cử kế hoạch kích thích kinh tế nào của nhà nước.
Hướng Dương txđ
7-02-2009
Trở lại Đầu Trang |