Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Ngọn Đuốc Thế Vận Hội 2008 Đi Qua Tây Tạng



 

Ngày Thứ Bẩy 21 tháng 6 vừa qua ngọn đuốc thế vận đã được rước qua thủ đô Llama của Tây Tạng, nơi cách đây ba tháng đã xẩy ra những cuộc biểu tình xung đột đẫm máu gây ra 22 người chết - theo lời tuyên bố của Bắc Kinh - làm rung động lương tâm thế giới.
Tình hình tại vùng miền Đông Trung Quốc, vị trí của nuớc Tây Tạng, cho đến nay vẫn rất căng thẳng và cả hai bên đều gay gắt căm thù nhau. Chính phủ Trung Quốc tố cáo rằng Đức Đa Lai Lạt Ma đã cho tổ chức những nhóm đặc công quyết tử để phá hoại Thế Vận Hội sẽ tổ chức vào tháng 8 tới đây tại Bắc Kinh. Vị lãnh đạo dân Tây Tạng đã bác bỏ lời vu khống của Trung Quốc và trong một cuộc công du tại Úc Châu mới đây ngài đã nói rằng trái lại ngài ủng hộ việc tổ chức thế vận hội tại Bắc Kinh và kêu gọi nhân dân Tây Tạng hãy tôn trọng lễ hội này. Tuy nhiên những nhóm đấu tranh cho rằng việc Bắc Kinh cho rước đuốc qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn nhằm xác định quyền kiểm soát  lãnh thổ Tây Tạng của mình. Cuộc diễn hành ngọn đuốc kéo dài ba tiếng đồng hồ tại thủ đô Tây Tạng đã bất kể đến lòng sôi sục căm hờn của người dân Tây Tạng và nó đã diễn ra chỉ một ngày sau khi toà án Trung Quốc kết án 12 người đã biểu tình chống đối vào ngày 14 tháng Ba trước đây. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tuyên bố rằng việc tha bổng 1157 người là một sự kiện đáng hân hoan nhưng còn hơn 100 người bị bắt vẫn chưa được xét xử và đó là một điều tổ chức này đang quan tâm theo dõi. Trong khi đó tổ chức từ thiện Nhân Quyền Tại Trung Quốc của Hoa Kỳ đã lên tiếng cho rằng việc rước đuốc tại Llasa là một “thách thức có hại cho nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài cho Tây Tạng và cho toàn vùng.”
Trung Quốc đã đô hộ Tây Tạng kể từ năm 1949, sau khi chế độ Cộng Sản lên nắm chính quyền tại nước này. Người dân Tây Tạng cho rằng xứ họ trước đó vẫn là một quốc gia độc lập nhưng ngược lại Trung Quốc cho rằng Tây Tạng từ bao nhiêu thế kỷ rồi vẫn thuộc chủ quyền của mình.
Kể từ tháng Ba, khi những cuộc biểu tình diễn ra, thủ đô Llasa đã bị giới nghiêm, mọi sinh hoạt đi lại làm ăn buôn bán đã bị ngăn cấm. Trên con đường ngọn đuốc thế vận được rước qua, phố phường vắng tanh và những cửa tiệm đóng cửa im lìm. An ninh đã được duy trì chặt chẽ xung quanh công trường Potala là nơi diễn ra những màn múa chào mừng thế vận hội. Cảnh sát đứng dọc theo những con đường trong thành phố, cứ ba thước lại có một người đứng canh và những người đến coi cuộc rước đuốc đều đã được chọn lựa từ trước và có đeo thẻ trước ngực để chứng tỏ họ đã được cho phép tham dự cuộc vui này. Họ lớn tiếng hô to “Trung Quốc hãy tiến lên!” và cầm cờ phất lia lịa. Chỉ có khoảng vài chục nhân viên truyền thông báo chí được phép đến chứng kiến và họ bị bó buộc phải đi với nhau thành một đoàn có lính canh gác cẩn mật. Họ chỉ được xem đọan đầu và đọan chót của hành trình và không được phép tiếp xúc với cư dân. Con đường mà đuốc được rước theo chạy dài khoảng 6 dặm, bắt đầu từ Dinh thự Norbulingka là nơi xưa kia Đức Đa Lai Lạt Ma thường đến ở vào mùa hè và từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, hai chặng chạy bộ này hợp lại với nhau. Thông tấn xã Trung Quốc cho biết trong số 156 lực sĩ chạy trong đoàn rước, chưa đầy phân nửa là người Tây Tạng, còn lại là những lực sĩ Trung Quốc. Không thấy có mặt du khách ngoại quốc nào trong đám người xem vì họ đã bị cấm đến vùng này kể từ khi có những diễn biến chính trị tại nơi đây.
Vì an ninh đã dược duy trì rất cẩn mật nên không thấy nói có những vụ xáo trộn nào xẩy ra mặc dù tình hình rất căng thẳng. Theo lời tường trình của một tổ chức theo dõi tình hình Tây Tạng ở Hướng Cảng thì đã có báo động về những cuộc phá hoại có thể xẩy ra dọc theo con đường xe lửa mới được xây cất hai năm nay đưa tới Llasa và hơn 7000 lính đã được trải ra để bảo vệ con đường rầy này. Văn phòng phó thống đốc Trung Quốc tại Tây Tạng cũng đã lên tiếng báo động với các phóng viên quốc tế rằng những nhóm người Tây Tạng lưu vong đang tìm cách phá rối cuộc rước đuốc tại Llasa. Tuy nhiên, cho đến những lúc gần đây, những cuộc rước đuốc trên đất Trung Quốc đã không còn bị phản đối nữa, khác hẳn những lần rước trước đây tại London, Paris, và San Francisco. Trên tuyến đường rước quốc tế trước đây đã xẩy ra nhiều vụ xung đột giữa những kẻ ủng hộ Trung Quốc và những nhóm phản đối chính sách phản dân chủ của Bắc Kinh. Tuy nhiên theo tin tức do Trung Tâm Nhân Quyền và Dân Chủ đưa ra thì đã có hơn 80 vụ tấn công trên tuyến rước đuốc trên lãnh thổ Trung Quốc, đáng kể nhất là những vụ đặt chướng ngại vật trên đường xe lửa và súng bắn vào cửa kính của những đoàn xe chạy qua.
Trung Quốc đứng ra tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh nhằm phô trương khả năng siêu cường của mình về cả hai mặt kinh tế lẫn chính trị nhưng các cuộc phản đối mới đây của những nhóm đấu tranh cho nhân quyền dân chủ và môi sinh có thể làm lu mờ đi hình ảnh của nước Cộng Sản này trên chính trường quốc tế.
Trung Quốc mới đây tuyên bố đã trưng dụng 100,000 cảnh sát xung phong, lực lượng đặc biệt và binh lính để hợp thành một lực lượng chống khủng bố trong thời gian có thế vận hội. Và đã ba lần trong năm nay Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đã dẹp tan được âm mưu khủng bố của những nhóm Hồi Giáo đấu tranh đòi tự trị thuộc tỉnh XinJiang ở vùng Viễn Tây Trung Quốc. Theo lời của Bắc Kinh thì âm mưu của những nhóm này bao gồm đâm máy bay xuống đất và bắt cóc các lực sĩ và nhà báo, nhưng không có bằng chứng nào đã được đưa ra. Những chuyên viên an ninh quốc tế không tin rằng đang có một nguy cơ khủng bố đáng ngại và những nhóm tranh đấu cho nhân quyền đã tố cáo rằng đấy chỉ là một âm mưu che đậy của Trung Quốc để bắt bớ bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến tranh đấu ôn hoà mà thôi.
Chặng tới của ngọn đuốc sẽ là tỉnh Qinghai là nơi cũng đã dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào mùa Xuân vừa qua. Sau đó ngọn đuốc sẽ chạy trên vùng đất Trung Quốc cho tới khi về đến Bắc Kinh vào ngày 8 Tháng Tám.  Trên đường rước này, ngọn đuốc sẽ qua tỉnh Tứ Xuyên là nơi đã xẩy ra vụ động đất kinh hoàng làm cho gần 70 ngàn dân thiệt mạng.

Giới Truyền Thông bất bình về Thái Độ của Trung Quốc
Đã có nhiều dấu hiệu giới truyền thông và báo chí sẽ gặp khó khăn trong việc săn và cung cấp tin tức về thế vận hội tại Bắc Kinh và bảy tuần trước ngày khai mạc những phóng viên truyền hình báo chí đang tỏ vẻ lo âu về sự tự do loan tin cũng như tự do di chuyển cả người lẫn những dụng cụ máy móc thu hình và xe truyền vệ tinh. Cho đến nay vẫn chưa có luật lệ rõ ràng về những những gì họ được phép quay phim, những gì không. Nhà chức trách Cộng Sản Trung Quốc có vẻ sợ những gì máy quay hình sẽ thâu và họ e ngại việc hơn 30,000 phóng viên có thể sẽ loan tin về những cuộc đấu tranh chính trị của những nhóm đòi dân chủ, quyền tự quyết chủng tộc và tự do tín ngưỡng. Họ cũng không muốn cho phổ biến những lời tuyên bố về chính sách của Trung Quốc về Tây Tạng và Darfur của các lực sĩ hay của những nhà đấu tranh chính trị. Ông Fernando Pardo, chủ tịch khối Thể thao của European Broadcasting Union (Hội Đoàn Phát Thanh Phát Hình Âu Châu) nói rằng “nếu sự ngăn cấm hiện thời xẩy ra trong lúc có Thế Vận Hội thì không thể tiên đoán được phản ứng của giới truyền thông.” Trái với những lời nói để an tâm của ông Jacques Rogge, chủ tịch Ủy Hội Thế Vận Quốc tế, ông Pardo cho biết rằng kể từ buổi họp khẩn vào những ngày 29-30 tại Bắc Kinh với nhà chức trách Trung Quốc, vẫn chưa thấy có tiến bộ bao nhiêu. Ông nói: “chúng tôi thấy có mây đen  nơi chân trời. Chúng tôi đã chứng kiến những vấn đề an ninh đặt ra tại (TVH 1980) Mạc Tư Khoa và đây không là một điều mới lạ đối với tôi. Chúng tôi đã có kinh nghiệm làm việc với những người Cộng Sản, nhưng Bắc Kinh còn khó hơn cả Mạc Tư Khoa …. Chỉ còn có bảy tuần là thế vận bắt đầu mà bao nhiêu là chuyện chưa ngã ngũ ra sao!” Ông Pardo nói rằng tuần sau đó giới tuyền thông sẽ bắt đầu hoạt động tại Bắc Kinh và ông đe dọa rằng nếu họ không được tự do hành nghề thì họ sẽ đòi tổ chức thế vận ở địa phuơng bồi thường về mặt tài chính.
Những nhân viên hữu trách tổ chức thế vận ở Bắc Kinh không phê bình gì về lời nói của ông Pardo. Họ chỉ tuyên bố rằng các báo chí truyền thông sẽ được tự do làm công việc của họ giống như trong những thế vận trước đây. Ông Lưu Quí, chủ tịch Đảng Cộng Sản tại Bắc Kinh đồng thời là người có trọng trách tổ chức Thế Vận Hôi 2008, nói rằng tất cả những lời yêu cầu xin phỏng vấn “đều sẽ được đáp ứng”. Nhưng ông nói them: “điều này không có nghĩa đều sẽ được chấp thuận.” Một vấn đề khác mà ông Pardo nêu ra là dù được chấp thuận phỏng vấn nhưng liệu người được phỏng vấn có sẽ được phép đến gặp người phỏng vấn hay không? Vả lại đã có lần một hội viên của EBU được phép đưa đoàn quay phim vào Vạn Lý Trường Thành nhưng khi bắt đầu quay phim thì bị đòi phải trả một số tiền lệ phí kếch sù, mà không biết là trả cho ai. Cùng một chiều hướng lo lắng với ông Pardo là bà Sandy MacIntrye thuộc Associated Press Television Network và ông Murray Needman thuộc Television New Zealand. Cả hai người đều nghi ngại rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ không tôn trọng lời hứa của họ.  Vì sau khi nhiều đoạn đường rước đuốc thế vận đã bị tấn công, chính quyền Trung Quốc hoảng hồn đang muốn rút lại lời hứa “cho phép phóng viên tự do làm việc tương tự như tại những thế vận trước đây”, một lời hứa Trung quốc đưa ra bẫy năm trước đây khi được chọn để tổ chức thế vận năm nay.

Kế hoạch cấm vận trong thời gian có Thế Vận Hội Bắc Kinh
Trong thời gian có thế vận từ 20 tháng Bảy cho tới 20 tháng Chín, 3.3 triệu xe sẽ không được phép lưu hành đồng thời các công trình xây cất cũng như sản xuất kỹ nghệ nặng sẽ bị đình chỉ nhằm tránh ô nhiễm. Xe cộ sẽ được lưu thông xen kẽ, những xe có bảng số chẵn sẽ được chạy vào những ngày chẵn, những xe có bảng số lẻ sẽ được chạy vào những ngày lẻ. Ngoài ra, kể từ ngày 1 tháng Bảy tất cả những xe phun khói gây ô nhiễm nặng đều sẽ bị cấm chạy. Từ 30 đến 70 phần trăm trong số 30,000 những xe của nhà nước sẽ ngưng lưu hành. Bắc Kinh vốn nổi tiếng là một nơi không khí bị ô nhiễm nặng, một yếu tố đã được đặt ra khi Bắc kinh được chọn làm nơi tổ chức thế vận cho năm nay. Ủy ban Thế vận quốc tế đã quyết định rằng nếu tình trạng ô nhiễm qua xấu thì những cuộc thi đấu ngoài trời kéo dài quá một giờ sẽ bị đình hoãn. Không khí tại Bắc Kinh bị ô nhiễm tới độ người ta không thể nhìn xa quá một cây số và ngay cả vào những ngày tồi tệ nhất thì cơ quan bảo vệ môi trường vẫn chỉ ghi nhận “tình trạng ô nhiễm nhẹ.”

Kết Luận:
Dưới đây là một vài tin lượm lặt đáng ghi nhận thêm:
1. Thế Vận Bắc Kinh phần chính sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 24 tháng Tám và phần phụ từ ngày 6 đến ngày 17 tháng  Chín. Khoảng 500,00 du khách ngoại quốc sẽ có mặt cùng với 10,000 lực sĩ và khoảng 30,000 nhân viên truyền thông báo chí. Những phương tiện di chuyển công cộng sẽ được tăng cường, chẳng hạn năm ngoái nhiều đường xe lửa ngầm (metro) đã được mở thêm và nhiều đường khác cũng sẽ được mở ra trong thời gian sắp tới đây. Mặc dù số xe lưu hành bị cắt giảm nhiều như đã nói ở trên nhưng để có thể phục vụ số du khách kỷ lục, 95% của số 66,000 xe taxi sẽ tiếp tục được phép chạy. Nhiều đường lằn được dành riêng cho những xe thế vận di chuyển giữa khách sạn, vận động trường, và những làng lực sĩ trên đó xe hơi có thể di chuyển tốc độ trung bình 35 dặm một giờ.
2. Vì giờ Bắc Kinh cách giờ Hoa Kỳ 12 tiếng nên khi những hoạt động thế vận đang diễn ra thì người Mỹ chúng ta đang ngủ. Vì vậy cơ quan truyền thông NBC đã có sáng kiến giúp những người hâm mộ thế vận thu những cuộc thi đua vào laptop của họ để rồi có thể xem sau đó mà không cần vào internet. Tuy nhiên chỉ những ai xử dụng Windows Vista mới có thể dùng program của Wavexpress để thu xuống computer.
3. Tin tức mới nhất cho biết vì lý do an ninh Bắc Kinh đã cho thiết lập một hệ thống hỏa tiễn phòng thủ ngay gần sân Olympic Sports Center, nơi sẽ diễn ra những cuộc tranh tài của các lực sĩ thế vận. Hệ thống này bao gồm ít nhất là hai giàn phóng hỏa tiễn Hongqi 7 và nhiều cơ giới quân sự khác được che dấu dưới những lớp vải rằn ri dày. Một hàng rào cao bao quanh khuôn viên quân sự này và một tấm bảng treo trên hàng rào viết: “Khu hành Chánh Quân Sự - Cấm Vào”
4. Trung Quốc đang gây khó khăn cho việc cứu xét cung cấp chiếu khán cho người ngoại quốc muốn vào nước này nhất là sinh viên và những nhà kinh doanh thường lui tới Trung Quốc. Đồng thời Bắc Kinh gần đây đã cho tổ chức những cuộc lung bắt xét hỏi giấy tờ tại những khu vực có nhiều người ngoại quốc sinh sống để ngăn ngừa những trường hợp cư trú bất hợp pháp.

Hướng Dương
6-24-2008

 

 

 

 

Trở lại Đầu Trang