Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Một Ngày Tết Khó Quên
Truyện Ngắn Dị Thường của Hướng Dương txđ



Hôm đó là ngày thứ sáu 30 Tết. Từ trưa, những người bạn ở cùng phòng với tôi đã lục đục lên xe trở về ăn Tết với gia đình. Nhìn những bộ mặt tươi rói của họ, tôi hơi thấy tủi thân. Bố mẹ tôi ở quá xa, tít tận miền Đông, nên suốt ba năm nay những ngày Tết tôi đâu được hưởng cái cảnh xum họp vui vẻ với gia đình. Tôi nhớ đến những Tết năm trước, khi tôi còn học ở Tiểu học và Trung học, lòng tôi đã rộn lên mỗi khi Xuân về. Tôi cứ mong đến sáng ngày mùng một để được mẹ tôi giao phó cho tôi cái nhiệm vụ xông đất cho cả nhà. Năm nào cũng như năm nấy, mẹ tôi nói:

  • Cả nhà chị có thằng Hoàng là hiền lành tính nết vui vẻ dễ thương. Nó xông đất thì nhà mình cả năm sẽ gặp may mắn yên vui. Thôi năm nay lại nhờ đến nó…

Lan, em gái tôi luôn luôn nhao nhao lên phản đối:

  • Mẹ thấy con không hiền lành như anh Hoàng hay sao? Năm nay mẹ cho con xông đất đi xem thế nào? Có hơn năm ngoái không…

Mẹ tôi gạt phăng:

  • Thôi, cứ để cho anh Hoàng làm công việc đó! Nó đã chứng tỏ rằng nó mang nhiều may mắn cho gia đình mình rồi…

Và bất kể đến vẻ mặt phụng phịu của Lan, mẹ tôi gọi tôi:

  • Hoàng đâu con, đi ra xông đất cho mẹ đi con!

Tôi từ nhà trong bước ra trong bộ quần áo mới mà mẹ tôi đã sắm sẵn cho tôi chỉ để làm cái công việc thiêng liêng này,

  • Mau mau đi con không lỡ có khách đến bất tử, họ vào nhà mình thì xui cả năm đó con!

Tôi tươi cười đi ra cửa, mở khoá bước ra ngoài. Tôi chỉ đi chừng dăm bước – như lời mẹ tôi đã dặn -trước sân nhà rồi liền quay trở vào. Mẹ tôi mặt vui như hoa, thở ra cái phào, nhẹ nhõm nói:

  • Thế là xong! Cám ơn đứa con trai cưng của mẹ đã xông đất cho mẹ.

Ba năm nay, tôi không ở nhà để làm cái nhiệm vụ xông đất cho mẹ tôi nữa. Lan đã kế thừa từ tôi cái công việc này. Nhà tôi chỉ có bốn người. Bố tôi, tuy chưa sáu mươi, đã luôn luôn tự coi mình là già, chỉ bệ vệ ngồi nhìn, không bao giờ làm một công việc gì trong nhà hay quyết định một điều gì. Cả họ hàng, gia đình xa, các bác các chú các cô tôi đều gọi bố tôi là “ông quan huyện” vì cái tính quan liêu đó. Những ngày trước Tết, ông cũng chằng buồn nhắc nhở hay suy nghĩ nên phải làm những gì trong ba ngày đầu năm. Tất cả mọi việc đều được giao phó cho mẹ tôi: việc đi sắm sửa hàng tết như cành mai cành đào chậu quất, bánh chưng giò chả, bánh mứt đủ lọai, trái cây – nào buởi, nào cam quít, nào nho táo lê – hương trầm, trà mạn sen, câu đối đỏ và những gì tôi không còn nhớ nữa. Ngoài ra, mẹ tôi còn phải đi chợ mua gà sống thiến, chân giò, cua biển, cá thu, tôm khô, bong bóng cá, thịt heo đùi, miến, măng khô, xu hào, và bao nhiêu những thứ khác để về làm những món ăn mà bà chỉ làm vào những ngày Tết, những món ăn mà tôi ưa thích nhất nhưng cả năm không được ăn. Đó là những món ăn mà, mẹ tôi kể, ngày xưa khi chúng tôi còn ở quê nhà, bà nội tôi hay làm vào những ngày giỗ tết:

  • Mẹ làm những món này trước là để cúng các cụ sau là cho bố và các con ăn để nhớ lại những ngày Tết quê hương. Ở cái đất Mỹ này, mấy khi được nghĩ đến quê hương? Cả năm đầu tắt mặt tối… Không có những ngày Tết mình chẳng còn biết mình là người Việt Nam nữa, huống hồ nhớ đến những tục lệ xa xưa khác! Các con phải luôn luôn nhớ rằng tổ tiên mình là người Việt Nam và cố giữ lấy những gía trị truyền thống của dân tộc mình…

Bây giờ ngồi đây, xa mẹ tôi hơn ba ngàn dặm, tôi nhớ lại những món ăn đó, những món đặc biệt của ngày xuân trong gia đình tôi như thịt cá thu kho ăn với dưa chua củ kiệu mà mẹ tôi đã muối sẵn từ mươi ngày trước; gà trống thiến luộc ăn với lá chanh; bún thang ăn có cà cuống măm tôm và của cải dằm; bóng sào tôm khô, nấm đông cô, thịt gà thịt heo và củ cải, cà rốt, xu xu; chân giò hầm với măng khô, có thêm rau cải đắng và miến; xu hào thái thành xợi xào với thịt ba chỉ luộc sẵn thái nhỏ, trên bầy nào trứng tráng mỏng thái sợi, nào mực khô ngâm nước cho mềm rồi cũng thái chỉ xong xào với đường cho khô lại, nào giò thái thành sợi dài (món Bắc này làm có vẻ cầu kỳ nhất) ; miến sào cua biển; chả cua; và đôi ba món khác mà ba năm nay không ăn tôi không còn nhớ tới. Là một thanh niên Việt lớn lên trên đất Mỹ, tôi đã có cái may mắn là được sống với mẹ tôi, một người đàn bà cổ truyền. Bà vẫn cố duy trì những tục lệ văn hóa dân tộc. Trước ngày  Ba Mươi Tết bà đã xin nghỉ để ở nhà quét dọn nhà cửa, chăm sóc bàn thờ tổ tiên, bầy biện trang hoàng phòng khách để sẵn sàng tiếp đón bà con bạn bè đến chơi chúc Tết. Sáng mồng một, Lan và tôi vẫn còn giữ tục lệ ăn mặc đẹp đi ra chúc mừng sức khoẻ bố mẹ chúng tôi để rồi được mẹ tôi chúc lại và cho chúng tôi tiền mừng tuổi…

  • Mày có chắc mày muốn ở lại đây hay không? Tao bảo mày về nhà tao ăn Tết với gia đình tao mà sao mày cứ từ chối?  Ba ngày sắp tới mày sẽ làm gì?

Quang là đứa chót trong ba đứa bạn ở chung nhà với tôi lên đường về thăm gia đình. Tôi hăng hái trả lời hắn:

  • Tao thiếu gì việc phải làm? Hai cái reports tao chưa đụng đến, cuốn Marketing dày cộm tao chưa đọc, lại còn cái vụ đi ra thư viện làm research về những công ty mà nhóm tao sẽ phải đến thăm và làm interview. Thôi mày cứ đi về nhà ăn Tết cho vui vẻ đi, khỏi lo cho tao!

Tôi lững thững đi ra cửa tiễn hắn lên xe. Hắn nói với lại:

  • Mày ở lại cố lấy công việc làm vui, đừng có làm cái mặt rầu rầu, xui cả năm đó nghe! Tao về sẽ mang cho mày ít quà! O.K?

Tôi vẫy tay chào hắn, trong lòng thấy hơi non nao như thể thiêu thiếu một cái gì. Nhớ lại những ngày Xuân năm xưa, tôi không tránh suy nghĩ vẩn vơ. Tâm hồn tôi phảng phất một nỗi buồn vời vợi khi nghĩ đến những đứa bạn sẽ được hưởng những ngày Xuân đầm ấm trong khi tôi lại phải chịu một mình sự cô đơn. Tôi tự nhủ, “Tại mình chứ tại ai? Sau khi tốt nghiệp trung học, mẹ muốn mình học gần nhà nhưng mình không chịu. Mình muốn đi thật xa để tập sống độc lập, tập tranh đấu một mình. Có làm có chịu. Tiếc mà làm chi, có hối hận thì cũng đã quá trễ…”

Tôi bỗng nhớ đến thùng quà tôi đã nhận được sáng nay. Tôi bước lại chiếc bàn, lấy con dao rạch thùng giấy mở nó ra. Mẹ tôi đã chu đáo gởi cho tôi nào bánh chưng, nào giò chả, nào thịt kho dưa chua. Tôi vội xé lá thư mẹ tôi viết kèm theo:

Con yêu dấu của mẹ,
Tết này mẹ lại thiếu con như hai Tết trước, mẹ sẽ nhớ con vô vàn. Nhưng mẹ sẽ không buồn vì chỉ còn một Tết nữa là mẹ không được có con bên cạnh mà thôi! Con phải hứa với mẹ là sau khi ra trường con sẽ về ở gần mẹ nghe con! Có thế những ngày Xuân của mẹ mới được trọn vẹn. Mẹ biết con xa nhà sẽ không được vui. Mẹ gởi cho con ít thứ cho con ăn trong những ngày Tết. Chúc con vui mạnh. Hãy cố gắng nhiều nghe con!
Mẹ của con”

Tôi thấy đói bụng muốn bóc chiếc bánh chưng ra ăn nhưng, nghĩ lại, tôi quyết định để dành đến tôi nay ăn vào lúc giao thừa. Tôi bèn nấu nước làm tô mì ăn liền. Ăn xong, tôi ngồi ngả lưng trên chiếc ghế dài, mở cuốn Marketing ra đọc. Óc tôi tự nhủ, “ Mua bao nhiêu lâu rồi mà mình chưa đụng tới! Bây giờ là lúc thuận tiện nhất để mà bắt đầu đọc nó cho rồi…” Đọc được chừng ba chục trang, tôi buồn ngủ và thiếp đi lúc nào không hay cho đến lúc tôi văng vẳng nghe pháo nổ hàng loạt như thễ từ xa. Tiếng pháo nổ liên hồi như tiếng súng đại liên, lâu lâu lại có tiếng nổ lớn “Đùng!” Tôi hốt hoảng tỉnh dạy. Xung quanh tôi vẫn là cảnh im lìm của căn phòng không người. Thì ra tôi đã năm mơ! Nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, tôi thấy đã gần 12 giờ đêm. Giờ giao thừa sắp đến. Tôi vội khoác chiếc sơ mi trắng và mặc chiếc quần dài đen để chuẩn bị đón năm mới!

Khi hai kim chiếc đồng hồ chỉ đúng số 12, tôi kéo cánh cửa kính lớn bước ra hành lang phía sau nhà. Gió hơi lành lạnh bỗng làm cho tôi rùng mình. Tôi vội vào choàng thêm chiếc jacket rồi lại đi trở ra. Tôi đốt điếu thuốc đứng dựa váo chiếc lan can nhìn trời nhìn đất, nghĩ ngợi mông lung. Bầu trời hôm nay tối thui. Giá có một bầu trời xanh với những ngôi sao lóng lánh thì đêm giao thừa có tuyệt hơn không? Những ngọn đèn halogen lớn trên những cột cao chiếu sáng cả một vùng bãi cỏ mênh mông xa tới tận chân đồi. Tôi nhìn quanh toà ký túc xá nơi sinh viên chúng tôi cư trú, toà nhà có hành lang phía sau chạy dài theo hình chữ L xa tuốt cho tới bên kia. Cả hành lang vắng tanh không một bóng người. Một vài căn phòng vẫn còn ánh sáng nhưng đa số đã tắt đèn tối thui. Tôi tự nhủ, “ Giờ khuya này bọn sinh viên Mỹ chúng nó hoặc đang ngồi học trong nhà hoặc đang nằm ngủ ngon giấc.”

Gió lạnh vẫn thổi dữ làm cho tôi phải kéo chiếc cổ áo lên. Tôi rít nốt điếu thuốc, chuẩn bị bước trở vào, trong đầu nghĩ tới chiếc bánh chưng, tô cá kho với thịt mỡ và dưa chua. Tay búng mẫu thuốc lá lên không trung, tôi đưa mắt nhìn nửa vòng ánh sáng tạo ra bởi đốm lửa được làn gió thổi rực lên. Bỗng nhiên tôi cảm thấy  vài gịot nước mưa lác đác rớt xuống va lên da mặt và bàn tay. Đêm nay trời chắc lại đổ mưa thôi. Thật là buồn! Đêm giao thừa mà trời lại không vui tí nào!

Đúng vào lúc tôi tính quay lưng trở vào, mắt tôi bỗng thấy nơi hành lang phiá bên kia, cách xa tôi khoảng hơn trăm thước, bóng dáng một người con gái mặc chiếc áo dài đỏ xẫm, mớ tóc dài và hai tà áo phất phới trước làn gió. Tôi cố dương mắt chú tâm nhìn, lòng tự hỏi, “Chắc mình hoa mắt chứ làm sao lại có một người con gái Việt ở đây như thế? Nàng làm gì mà lại đứng đó một thân một mình giữa đêm khuya? Hay mình nằm mơ? Mà mình có ngủ đâu mà mơ?”

Nhưng tôi không mơ mà mắt tôi cũng không hoa. Quả thật có người con gái đứng nơi lan can phiá xa bên kia vì tôi đã nhìn kỹ và thấy không những nàng cũng nhìn về phía tôi mà lại còn vẫy tay như muốn chào tôi. Vì xã giao, tôi cũng vẫy tay chào lại. Vậy là trong toà nhà này cũng có nàng sinh viên người Việt kia sống xa gia đình như tôi, cũng phải trải qua một cái Tết vô vị như tôi. Tự nhiên tôi thấy ấm lòng hơn khi nghĩ đến người con gái cùng chung số phận, hai đứa cùng phải chịu sự cô đơn như nhau trong những ngày đầu năm mới.

Chừng một phút sau, người con gái bước trở về phòng nàng, tôi cũng buồn tình kéo tấm cửa kính to lớn bước trở vào phòng tôi. Chẳng biết làm gì hơn, tôi lột chiếc bánh chưng và chiếc giò lụa mẹ tôi cho, bỏ tô cá kho thịt vào microwave hâm nóng lại, lấy dưa chua từ trong chiếc hũ nhỏ bỏ vào đĩa và chuẩn bị ăn bữa cơm giao thừa mừng năm mới.

Tôi cầm đôi đũa trên tay vừa tính gắp bỏ miếng bánh chưng vào chén của mình thì tôi nghe như thể có tiếng gõ khe khẽ nơi cánh cửa kính lớn đưa ra hành lang. Vì những hạt mưa rớt nặng hạt đập vào kính khua lên những tiếng lộp độp, và vì bóng tối phủ bên ngoài, tôi không để ý đến tiếng gõ cửa đó. Chừng vài phút sau, tiếng gõ lớn hơn buộc tôi ngước đầu nhìn lên và ngạc nhiên thay, tôi nhận ra bóng người con gái lúc nãy, một tay cầm dù, tay kia cầm một chai rượu vang hồng. Tôi vội vã kéo cánh cửa mời nàng vào.

  • Xin lỗi anh Hoàng nhé! Em hơi đường đột, nhưng một mình đón năm mới buồn quá! Em đánh bạo sang đây để xin được ngồi với anh. Anh cho phép nhe!

  • Ô! thật là may mắn cho tôi có được người bạn đến chơi đêm nay. Xin mời cô vào kẻo ướt hết người.

Người con gái tươi cười bước vào, để cây dù bên cạnh cửa. Nàng xinh đẹp như một nàng tiên, đôi mắt đen láy chớp liên hồi. Đôi môi nàng sơn đỏ, một màu với chiếc áo, làm nổi bật làm da mặt trắng mịn màng. Tóc nàng vương đôi ba giọt nước mưa long lanh càng làm cho nàng đẹp hơn. Trên cổ, tôi thấy nàng đeo một vòng kiềng vàng và nơi hai cổ tay là hai vòng cẩm thạch cổ trạm vàng. “Đây chắc là một tiểu thư nhà khá giả. Ăn mặc cũng kiểu cách lắm!” Tôi suy nghĩ trong đầu.

  • Anh cho em tự giới thiệu. Em tên Mai, học năm thứ nhất trường mình. Chắc anh không biết em nhưng em biết anh rõ lắm!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

  • Mai biết tôi ? Làm sao mà Mai biết được tôi? Mình có gặp nhau bao giờ chưa nhỉ ?

  • Anh chưa gặp em nhưng em thấy anh nhiều lần rồi. Xin lỗi anh nhe ! Vì em hay để tâm theo dõi những người ở đây ấy mà !

  • Thôi cũng không sao ! Trước lạ sau quen. Hôm nay tôi rất hân hạnh được biết Mai. Có Mai đêm nay, tôi sẽ không còn thấy cô đơn nữa. Mời Mai ngồi xuống đây !

  • Cám ơn anh.

  • Tôi đang tính ăn chút bánh chưng vì hơi đói bụng. Những thứ Mai thấy đây là do mẹ tôi gởi cho. Mẹ tôi muốn tôi được hưởng hương vị Tết một chút.

  • Như vậy là anh may mắn hơn em. Mẹ em ở xa quá! Có muốn gởi quà Tết cũng không được!

  • Uả! bao xa mà dữ vậy?

  • Mẹ em ở Saigon. Em là sinh viên du học. Gia đình em còn ở Việt Nam.

  • Thế sao? Như vậy Mai còn khó gặp gia đình hơn cả tôi nữa?

  • Khó lắm anh ơi! Nhất là với hoàn cảnh của em. Biết chừng nào em mới về thăm nhà được?

  • Mai nói gì anh không hiểu? Thì đến hè, nghỉ hai tháng, em có thể về chơi nhà được chứ sao không?

  • Khó nói lắm anh ạ! Để từ từ rồi anh sẽ hiểu. Thôi bây giờ anh khui chai rượu này ra, mình uống mừng năm mới đi.

  • Anh cũng ít uống rượu lắm! Nhưng đêm nay là đêm giao thừa và rượu lại do em mang tới, anh sẵn sàng uống với em một ly.

Tôi lúi húi mở ngăn kéo bếp tìm cái đồ khui nút chai rượu. Lục mãi mới thấy. Tôi nói như để phân bua:

  • Mai thấy không? Không uống rượu nên cũng chẳng biết đồ khui ở đâu. Mấy thằng bạn của anh chúng nó uống chứ anh có đụng đến chai rượu bao giờ đâu?

Người con gái cười, nụ cười tươi như bông hồng chúm nở. Nàng đứng dạy nói:

  • Anh lo khui rượư đi. Để em kiếm ly cho!

Nàng đi lại nơi tủ bếp, mở cánh cửa tủ tuốt trên cao, với tay lấy hai ly dùng để uống rượu vang. Tôi nhìn nàng chợt nhận thức đôi chân nàng rất dài, nàng có lẽ cao không thua gì tôi. “Người mảnh khảnh mà lại cao như thế, làm người mẫu được lắm!” tôi tự nhủ.

Chúng tôi cụng ly, tôi chúc mừng Mai:

  • Anh xin chúc Mai luôn vui tươi, gặp nhiều may mắn, việc học dễ dàng suôi sẻ…

  • Em cũng xin chúc anh như vậy! Em còn chúc anh thêm một điều..

  • Điều gì?

  • Chúc anh được nhiều cô mê…

Rồi nàng cười khanh khách, tiếng cười thật dễ thương. Tôi hơi bối rối…

  • Anh chẳng có ai mê cả. Hay nói đúng hơn chưa có ai mê…

  • Có chứ! Anh đã có người mê rồi mà không biết đó thôi..

Tôi hồi hộp hỏi lại:

  • Người đó là ai? Sao Mai biết…

  • Bí mật ! Mai để anh tự tìm hiểu.

Mai nói xong liền lảng sang chuyện khác..

  • Thôi anh kêu đói bụng thì ăn chút gì đi !

  • Mai cùng ăn với anh nhé !

  • Em có kêu đói bụng đâu ? Ô em nói đùa anh đó ! Nhưng thiệt tình, em chưa thấy đói. Anh cứ ăn đi, lát nữa nếu thấy muốn em sẽ ăn.

Tôi ăn một mình không thấy hứng nên gắp đôi miếng giò, miếng dưa chua rồi bỏ đũa xuống. Chúng tôi chuyển sang chiếc ghế salon dài ngồi cạnh nhau, nhìn những giọt mưa lăn trên cánh cửa kính trước mặt. Trời đã đổ mưa lớn hơn trước.

Mai kể cho tôi nghe sau năm 1975, không khí Saigon trở nên khó thở, cha mẹ nàng sợ vụ đánh tư sản nên đưa cả gia đình nàng trở về quê dưới Cà Mau tạm ẩn trú một thời gian. Đến cuối những năm 80, chính phủ cho tư nhân buôn bán trở lại, cha mẹ nàng lại đầu tư làm ăn. Những năm mới đây, tình hình kinh tế khá hơn nên gia đình nàng trở lên Saigon và nàng được đi học tại trường Gia Long. Tốt nghiệp xong trung học, nàng xin được học bổng của chính phủ Mỹ dành cho học sinh Việt Nam xuất sắc nên đi du học bên đây.

  • Em rất may mắn xin được học bổng. Nếu không cha mẹ em không cho em đi đâu ! Mẹ em không muốn em đi học ở ngoại quốc, chỉ muốn em ở nhà..

  • Đi du học tốt chứ Mai !

  • Vẫn biết thế, nhưng mẹ em sợ em đi xa nhà, một thân một mình, lỡ có chuyện gì làm sao xoay sở ? Khi đồng ý cho em đi, mẹ em lo lắm ! Thân gái dặm trường mà anh.. Mà quả thật là như thế ! Sang đây em gặp bao nhiêu chuyện không may…

Tôi thấy đôi mắt nàng nhíu lại, vẻ mặt bỗng biễu hiện một nét buồn sâu sắc. Nhưng chỉ phút sau là nàng lấy lại được bình tĩnh. Gượng cười nàng nói :

  • Nhưng thôi đêm nay là đêm em thấy vui lắm, em sẽ nhớ mãi… Thật là chuyện lạ chúng mình quen nhau vào đúng đêm giao thừa, anh nhỉ ?

  • Chắc là anh có duyên với Mai… Không có em thì đêm giao thừa năm nay sẽ thật vô vị. Cám ơn Mai đã đến đây sưởi ấm lòng anh.

Như để cho lòng tôi thêm ấm áp, Mai ngồi sát bên tôi hơn. Nàng ngã đầu lên vai tôi lúc nào tôi không hay. Ly rượu vang chúng tôi uống đã làm cho chúng tôi lâng lâng say hay sao đó, tôi bạo dạn đưa tay ôm nàng vào lòng. Lần đầu tiên trong đời tôi đã ôm một người con gái. Tôi thấy tim tôi đập mạnh, lòng rạo rực một ao uớc, một sự thèm muốn tôi không rõ. Mai cứ để cho tôi ôm nàng như vậy và chúng tôi thủ thỉ với nhau những lời tâm sự. Thời gian trôi đi và ngoài kia trời vẫn mưa. Tôi nghĩ đến một bài ca rất hay kể lại lòng ao ước của một người con trai xin người con gái ở lại với anh đêm nay vì trời mưa anh không muốn đưa nàng về. Với Mai tôi không phải xin xỏ điều ấy. Nàng đã vui lòng ở lại với tôi đêm đó.

Khi chúng tôi uống hết chai rượu thì trời đã khuya lắm, chắc cũng phải hai ba giờ sáng, chúng tôi đã hết chuyện để nói với nhau. Mai chỉ nép yên trong vòng tay tôi, đôi lúc nàng ngước mắt lên nhìn tôi  mỉm cười rồi lại cúi đầu dụi sát vào ngực tôi. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy hạnh phúc như lúc đó. Dường như tôi đã có nhiều tình cảm với nàng, tôi đã yêu nàng, say mê nàng ? Tôi chưa yêu ai bao giờ nên không biết cảm giác lúc mình yêu ra sao, chỉ biết rằng lúc đó tôi thấy ấm lòng, tôi thấy vui, tôi thấy sung sướng được ở gần người con gái ấy.

Giấc ngủ đã đến với Mai lúc nào không biết. Tôi cúi đầu hôn lên mái tóc nàng, ôm nàng chặt hơn vào lòng, trong đầu bao nhiêu ý nghĩ bay bổng. Tôi nghĩ tôi thèm được yêu nàng mãi mãi, thèm được nắm tay nàng đi chơi, đi dọc theo một bãi biển vắng thơ mộng, thèm được hôn nàng trên đôi môi mọng, đỏ chót. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh tôi đưa Mai về nhà giới thiệu với bố mẹ tôi, mẹ tôi vui vẻ tiếp đón nàng. Tôi nghĩ đến bao nhiêu ý tưởng khác mà nay tôi không còn nhớ rõ.

Thế rồi chính tôi cũng đã thiếp đi trong sự say sưa của một kẻ được tràn đầy hạnh phúc. Cho đến khi tôi tỉnh dạy thì đã gần mười giờ sáng. Trời đã tạnh mưa từ lúc nào. Chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ đêm qua, tôi vội nhìn sang bên trái để hoảng hốt thấy rằng Mai đã ra đi, nàng không còn bên tôi nữa ! Tôi dụi mắt ngỡ rằng mình đã trải qua một giấc chiêm bao, nhưng không, đó không phải chỉ là một giấc mộng đẹp. Bởi vì vỏ không chai rượu vẫn còn trên bàn kia, chiếc dù mầu hồng viền những đốm hoa vàng nhỏ vẫn còn nằm dựng bên cánh cửa kính. Tôi hối hả đứng dạy, đi một vòng nhà tìm kiếm. Trong lòng tôi dâng lên một nỗi thất vọng vu vơ. «Tại sao Mai về mà không cho mình hay ? » tôi tự hỏi.

Tôi mở cánh cửa kính bước ra, đi nhanh dọc theo hành lang còn sũng nước mưa để tiến tới nơi đêm hôm trước tôi thấy Mai đứng nhìn tôi vẫy tay. Tim đập thịch thịch trong lồng ngực, tôi đập vào cánh cửa phòng nơi đó hỏi thăm :

  • Làm ơn cho tôi gặp Mai. Tôi có chút chuyện cần muốn nói với nàng..

  • Mai nào ? Đâu có ai tên Mai ở đây ?

  • Mai, một sinh viên Á châu, một cô gái người Việt…

Người sinh viên ngoại quốc trố mắt nhìn tôi :

  • Tôi không quen biết một cô gái Việt nào hết ! Ở đây chì có mấy thằng đực rựa chúng tôi. Anh có gõ lầm nhà hay không vậy?

Hơi thất vọng tôi bước sang hỏi thăm những nhà bên cạnh, để rồi càng thất vọng thêm, càng thấy đau đớn trong lòng… Những ngày sau đó, những ngày đầu năm mới, những ngày Tết đáng lẽ ra tôi phải vui, tôi đã sống trong một nỗi buồn thấm thía nhất trong đời, một sự thất vọng ê chề, một sự thiếu thốn khó tả. Đầu tôi cứ lẫn quẩn bóng dáng người con gái tôi mới chớm yêu. Tôi mới vừa biết đến cái hạnh phúc xa lạ của yêu đương thì trong khoảnh khắc đã mất nó…

Những Tết năm sau đó, không hiểu vì lý do gì, tôi vẫn tơ tưởng đến Mai, đến người con gái tôi nhớ thương ngút ngàn. Tôi cứ mơ ước nàng trở về với tôi trong một đêm giao thừa như đêm giao thừa năm đó. Nhưng ước mơ của tôi chỉ là vô vọng. Tôi biết nàng đã ra đi vĩnh viễn, không bao giờ còn trở lại. Giấc mơ đẹp nào cũng chỉ đến một lần trong đời…

Viết tại San Francisco
Ngày 30 tháng 11 năm 2006

Trở lại Đầu Trang