Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Nguyện Uớc
Truyện Ngắn của Hướng Dương txđ



Ngày đó tôi còn nhỏ, khoảng chín mười tuổi. Đã có lần trong lớp học cô giáo nói với chúng tôi rằng vào những đêm trăng sao, nếu chúng tôi chú tâm nhìn một ngôi sao sáng mà chúng tôi ưa thích nhất thì chúng tôi có thể làm một điều ước và điều ước nguyện đó sẽ thành sự thật. Cô nói rằng chỉ khi nào chúng tôi thành tâm và tha thiết ước nguyện thì mới có kết quả.

Trong tâm trí non nớt của tôi khi đó tôi đã tin vào lời cô giáo và đã miên man suy nghĩ về những ước nguyện của tôi để rồi sẽ xin những ngôi sao mang đến cho tôi. Vì là một đứa bé không tham lam, tôi đã không xin những món quà, những thứ đồ chơi xa xỉ mà tôi đang thèm muốn, như chiếc xe lửa có thể chạy được trên đường rầy nhỏ xíu mà tôi đã thấy chạy lòng vòng nơi tủ kính trước những cửa tiệm lớn bán hàng hóa sang trọng. Tôi cũng không xin quả banh bằng da thiệt, quả banh trong có một bong bóng bằng cao su dày thổi phồng lên rồi cột cái đầu lại và nhét vào một cái lỗ tròn nhỏ nơi lớp da bọc ngoài, thứ banh mà chúng tôi, các bạn tôi và tôi, ao uớc có để chơi túc cầu trên sân cỏ. Và tất nhiên tôi không xin những viên bi tròn bằng thủy tinh đủ màu sắc vì thứ đó tôi đã có hàng trăm viên và cứ mỗi lần chơi là lại ăn thêm chục viên của những đứa bé hàng xóm, cái túi vải đựng bi mẹ tôi khâu đã đầy nhóc những viên bi mới cũ.

Tôi đã dành cơ hôi đó, cái cơ hội xin ngôi sao sáng ban cho tôi một điều tôi thèm muốn, cho đến khi nào thật cần, khi nào tôi có một ước nguyện thật quan trọng. Tôi đã nghĩ rằng không thể nào những ngôi sao sáng, những ngôi sao lóng lánh trên bầu trời bao la kia, lại có thể cho chúng tôi tất cả những gì chúng tôi ước mơ được. Chỉ khi mình không tham lam, xin điều nào không quá đáng thì ước nguyện mới thành tựu.

Hồi đó, tôi sống với mẹ tôi trong một căn nhà nhỏ xíu, bề ngang ba thước bề dài mười hai thước, trong một ngõ hẽm trên đường Võ Di Nguy thuộc Qun Phú Nhuận. Đó là một con hẻm chứa những căn nhà lụp xụp của dân nghèo, con đường đi vào lát xi-măng lồi lõm, vài trăm thước lại có một ống cống mà cứ đến mùa hè nẩy lửa là tỏa mùi xú uế mà chúng tôi ngửi riết cũng thành quen. Những tháng mưa mùa, nước từ con đường Võ Di Nguy đổ tràn vào ngõ chúng tôi đưa rác rưởi vào theo làm tắc những ống cống đó, gây ra cảnh lụt lội nước lên cao đến tận đầu gối. Nhà tôi khi đó là một bể nước hôi hám mà tôi bì bõm đi lại. Điều mà tôi nhớ nhất là bên cạnh nhà tôi là nhà của một ông người Tầu cao lênh nghênh chạy xe ba gác, ông ta có đến hơn mười đứa con, ba bốn đứa là bạn tôi chơi chung mỗi ngày.

Mẹ tôi, một công nhân tại một hợp tác xã đan giỏ và những thứ khác bằng sợi ny lông nằm trên đường Trương Minh Giảng, đã phải chịu những ngày cơ cực nhất trong đời bà. Bố tôi lúc đó đang học tập trong một trại cải tạo ở đâu gẩn biên giới Campuchia vì ông là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Tôi còn quá nhỏ để hiểu rõ những chi tiết phức tạp của hoàn cảnh gia đình tôi vào lúc đó, tôi chỉ biết, qua lời mẹ tôi kể lại, rằng bố tôi trước kia là một thầy giáo nhưng đã phải đi lính vì đàn ông lúc đó ai cũng bị nhà nước bắt vào quân đội. Mặc dù đi lính nhưng bố tôi đã chỉ làm công việc bàn giấy chứ không hề đi ra mặt trận chiến đấu bao giờ. Thế nhưng khi "Cách Mạng" đến thì những sĩ quan trong quân đội miền Nam, không phân biệt lính đánh trận hay lính ở hậu phương – như trường hợp ba tôi -đều bị gom lại để đi học tập cải tạo tại những nơi rừng rú xa xôi.

Vì tôi không có anh em, mà mẹ tôi lại đi làm suốt ngày, nên ngoài giờ đi học tại một ngôi trường ngay tại ngã tư Chi Lăng gần đó, tôi cứ đi la cà quanh xóm chơi với những đứa bạn, nhiều đứa tôi đã quen từ trước, nhiều đứa khác đến từ những xóm bên cạnh chúng tôi tôi đã làm quen sau này. Vì đói, chúng tôi thường rủ nhau đi bộ tới chợ Phú Nhuận để nhặt những trái cây rơi rớt quanh những xe chuyên chở, những trái chuối nhỏ xíu còn xanh hay những trái cóc, trái ổi mà chúng tôi bạo gan đến những xót chứa lớn thò tay vào ăn trộm rồi chạy. Những ngày đó đối với riêng tôi là những ngày nhớ đời, những ngày được sống tự do thoải mái, những ngày vui chơi thỏa thích với những đứa trẻ cùng tuổi. Tôi còn quá nhỏ để nghĩ đến mai sau, đến việc cố gắng học hành hay trau dồi đạo đức.

Một thời gian thấy tôi được buông lỏng đi chơi bụi đời quá trớn, mẹ tôi bỗng giật mình nghĩ đến đứa con mà bà đã mang nặng để đau. Bà sợ tôi trở nên một đứa bé hư hỏng, sau này sẽ đi ăn trộm ăn cướp, cả ngày không lo ăn học mà chị lo đi lông bông - vì quả thật tôi đã bao nhiêu lần trốn học để đi lang thang với những đứa bạn đồng cảnh – nên bà nghĩ đến việc phải ngăn tôi lại. Tối hôm đó, mẹ tôi ngồi nơi chiếc bàn ăn và bảo tôi đưa cuốn tập cho bà xem những bài làm hàng ngày trong lớp học. Cầm cuốn tập mỏng dính nhăn nheo dơ dáy với những trang giấy bị xé toặc, bà mới té ngửa. Bà thấy tôi học hành chẳng ra gì, cô giáo phê bao lần rằng tôi cần cố gắng hơn, cần chú tâm vào việc học, cần chăm chỉ đi học không được bỏ lớp đi chơi. Mẹ tôi đọc những lời dặn dò cô giáo đã viết cho cả tôi lẫn mẹ tôi. Mặc dù cô biết rằng mẹ tôi còn đang phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày, cô khuyên mẹ tôi chăm sóc để ý đến việc học hành của tôi hơn. Mẹ tôi ôn tồn nói:

  • Con hư lắm, con có biết không? Con chẳng lo học hành mà chỉ suốt ngày lo chơi! Mẹ đi làm để có cơm cho con ăn, ở nhà con phải chăm chỉ cố gắng học chứ sao con lại bỏ học mà đi chơi với các bạn như thế?

Tôi khi đó chỉ biết cúi đầu làm thinh. Với giọng nói buồn rầu, mẹ tôi lại nói tiếp:

  • Bố con đi tù nên vắng nhà, không ở bên con để dạy dỗ, khuyên bảo con, chỉ có mẹ mà mẹ lại đầu tắt mặt tối đi kiếm sống nên mới đến nông nỗi này! Con hư là tại mẹ đó, con có biết không? Mẹ đã lơ là nên để cho con lông bông như vậy đó!

Nghe mẹ tôi nhận lấy cái tội do chính tôi gây ra, tôi thấy trong lòng rộn lên một sự ray rứt, khổ sở vô cùng. Tôi hối hận đã làm cho mẹ tôi buồn. Mẹ tôi không la mắng tôi. Bà chỉ ngọt ngào nói với tôi những gì cảm nhận trong lòng. Việc bố tôi phải đi cải tạo, không có mặt trong gia đình đã đủ làm cho bà khổ sở, nay đứa con duy nhất lại lêu lổng chơi bời, không lo học hành đàng hoàng, càng làm cho hoàn cảnh của bà bi đát hơn. Tôi bèn lấy hết can đảm thưa với mẹ tôi:

  • Thưa mẹ, từ nay trở đi con sẽ cố gắng chăm chỉ học hành, không còn lo chơi nữa!

Mẹ tôi nhìn tôi với một ánh mắt chứa lẫn lộn hy vọng và nghi ngờ:

  • Việc đầu tiên là con phải xa những đứa bạn hư hỏng của con hiện nay. Nếu còn theo chúng thì làm sao con chú tâm vào việc học được?

Với một giọng cương quyết, tôi trả lời:

  • Mẹ cứ tin con đi! Ngày mai con sẽ lên thưa với cô giáo. Con sẽ xin cô giúp con tự chấn chỉnh lại.  Con sẽ noi gương những đứa bạn tốt trong lớp và sẽ cố gắng hết mình!

Mẹ tôi ôm tôi vào lòng, xoa đầu tôi nói:

  • Con biết nghĩ như thế là giỏi lắm ! Nhưng con phải nhớ những lời con vừa nói với mẹ và cố làm theo! Mai mẹ đi làm trễ một chút để đưa con đến trường, nói chuyện với cô giáo. Cô giáo của con thương con lắm nên thế nào cũng giúp mẹ con mình.

Sau đó, mẹ tôi lo dọn dẹp trong nhà còn tôi thì leo chiếc thang gỗ để lên căn gác xép làm thêm phía trên nhà bếp phiá sau. Căn gác này, bề ngang ba thước bề sâu hai thước, chỉ là nơi mẹ tôi phơi quần áo, hay chứa những đồ lặt vặt. Những ngày nóng bức, mẹ tôi và tôi lên đây để hứng tí gió, tránh cơn hầm trong căn phòng duy nhất ở nhà dưới. Trên đây gió thổi làm cho chúng tôi thấy dễ chịu, bớt được cái nóng hừng hực bao quanh, khi mà ánh sáng mặt trời rọi xuống chiếc mái tôn cong queo cũ rích, lốm đốm những lỗ hổng to bằng đốt ngón tay do rỉ sét tạo nên. Những ngày mưa to, chúng tôi đã phải lấy chậu, lon, và cả nồi niêu để hứng nước dột từ trên mái đổ xuống. Căn gác nhỏ này có một khoảng trống mở ra mái nhà lợp bằng fibro xi-măng. Đêm đến, tôi có thể nắm dài dưới sàn gỗ, ngay bên cửa sổ không cánh đó mà hưởng cơn gió mát thổi từ ngoài vào. Ngước lên là cả một vùng trời màu đen thui lui chỉ có vài ánh đèn hiu hắt rọi lại từ chiếc cột điện ngoài con đường cái.

Nhưng đêm nay thì khác. Trên bầu trời bao la là những ngôi sao lấp lánh muôn mầu sắc. Trăng lưỡi liềm đủ để toà ra một ánh sáng mờ mờ ảo ảo, làm cho tôi thấy được trên vòm trời màu xanh những cụm mây trắng lơ lững bay nhẹ trong cơn gió. Trong cảnh đẹp thiên nhiên đó, tôi bỗng nhớ đến lời nói của cô giáo tôi hôm nào. Tôi nhìn quanh một vòng, cố tìm một ông sao to sáng nhất để chú tâm vào. Sau vài phút tìm kiếm, tôi đã chọn được một ông sao vừa ý nhất, một ông sao mà tôi thấy sáng hơn tất cả những ông sao khác, to lớn nhất và đẹp hơn cả. Tôi dành một thời gian rất lâu ngắm nghía ông sao của tôi, tâm hồn thấy khoan khoái vô ngần. Tôi nở một nụ cười rất tươi, nghĩ đến câu chuyện mẹ tôi vừa nói với tôi, và trong đầu vẫn còn vương vấn hình ảnh mẹ tôi với ánh mắt đượm buồn. Tai tôi còn văng vẳng những lời mẹ tôi: « Con phải nhớ những lời con vừa nói với mẹ và cố làm theo! » Đối với một đứa bé như tôi, nhớ những lời nguyện với mẹ để mà tuân theo đâu phải là dễ ? Làm sao tôi có thể chống lại được sự cám dỗ khi những đứa bạn đến ru rê, lôi cuốn? Liệu tôi có đủ sức chống cự lại những thôi thúc và lòng ham muốn hay không ? Vả lại đối với tôi, việc học đâu có dễ dàng như đối với những đứa học sinh ngoan ngoãn, chăm học kia? Làm sao tôi đủ kiên nhẫn để vươn lên và bắt kịp chúng? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong tâm trí non nớt của tôi vào lúc đó! Tôi không đủ tự tin, tôi không nghĩ rằng, mặc dù tôi rất muốn làm cho mẹ tôi vui lòng, chỉ mình tôi lại có thể xoay chuyển, biến tôi thành một đứa bé gương mẫu.

Và chính vì thế mà tôi đã nghĩ đến lời nguyện mà tôi có thề làm với ông sao của tôi. Tôi muốn sự trợ lực của ông, tôi muốn ông giúp tôi thực hiện lời hứa với mẹ tôi, tôi muốn ông mang đến cho tôi cái sức mạnh tinh thần cần thiết để chống lại sự cám dỗ, để đưa tôi vào con đường ngay, con đường khó khăn mà tôi đã hứa sẽ đi theo.

Và như thế, vừa chăm chú nhìn ông sao sáng của tôi, tôi vừa lẩm bẩm:

  • Ông sao kia ơi ! Con có một ước nguyện tha thiết muốn xin ông giúp con thực hiện. Đó là trở nên một đứa bé ngoan, chăm chỉ học hành. Con muốn thế để làm cho mẹ con yên lòng! Mẹ con đã vất vả lắm rồi, con không muốn làm cho mẹ con đau buồn thêm nữa! Ông sao ơi! Con xin ông thực hiện nguyện ước của con. Xin ông đừng quên nghe ông!

Không biết do tưởng tượng hay sao đó, tôi thấy trong một khoẳng khắc ngôi sao sáng hẳn lên như thể ông đã nghe thấy lời cầu xin của tôi. Tôi cảm thấy tâm hồn thanh thản, sự vương vấn lắng xuống, tâm trí yên bình trở lại. Và tôi tin rằng thế nào lời ước nguyện của tôi cũng sẽ thành. Tôi chập mắt rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay, cho đến sáng hôm sau, mẹ tôi đánh thức tôi dậy, cho tôi mẩu bánh mì ăn sáng, rồi đưa tôi đến trường gặp cô giáo.

Thấy tôi đến với mẹ, cô giáo Hảo – tên cô là Hảo – đã tươi cười niềm nở tiếp đón chúng tôi. Mặc dù tôi không là một học sinh chăm chỉ trong lớp nhưng tôi biết cô vẫn thương tôi và sẽ sẳn lòng giúp chúng tôi. Mẹ tôi nói với cô:

  • Chào Cô! Hôm nay tôi mang cháu lại, trước là để xin lỗi cô vì tôi đã không chăm sóc cháu đúng theo như lời cô dặn, sau là để xin cô có lòng giúp đỡ cháu. Tôi đã nói chuyện với cháu hôm qua và cháu đã nguyện từ nay trở đi cố gắng chăm chỉ học hành…

Cô Hảo nhìn xuống tôi, thấy tôi đứng nghiêm và chăm chú nghe lời mẹ, liền hiền hòa nói với tôi:

  • Tuấn, con biết nghĩ như thế là tốt lắm! Việc học hành rất quan trọng, con phải nhớ là như vậy! Nếu con nỗ lức đủ, thì chuyện gì cũng xong! Phần cô, giúp được con trở thành một học sinh xuất sắc vẫn là điều cô mơ ước, con biết vậy mà!

Nhìn sang mẹ tôi, cô tiếp :

  • Xin bà cứ yên tâm! Nếu cháu hứa như vậy thì thế nào cháu cũng giữ lời. Tôi sẽ hết mình chăm sóc giúp cháu. Có điều gì cần, tôi sẽ liên lạc với bà sau…

Tiếng chuông reo vang, mẹ tôi cám ơn cô giáo và xin kiếu từ. Cô Hảo nắm tay tôi đưa tôi vào lớp học. Tôi khoan thai bước dưới những cắp mắt đầy nghi vấn của các bạn cùng lớp. Tôi nghe tiếng chúng xầm xì với nhau điều gì nhưng không cần đề ý tới. Đầu óc tôi lúc đó chỉ vang vảng những lời Cô Hảo vừa nói với tôi và lòng tôi sung sướng khi biết cô vẫn có cảm tình với tôi, một học sinh không ra gì trong lớp.

Quả nhiên, ước nguyện của tôi đã thành sự thật! Cuối năm đó, tôi đã bắt kịp đà học của lớp bốn và được lên lớp năm,. Tôi đã xa lánh được đám bạn cũ và đã làm quen được đôi ba đứa bạn tốt khác. Tôi đã chuyên tâm học hành và việc học đã trở thành một việc làm thuần thục, tôi đã quen dành thời giờ ở nhà để đọc sách, làm bài thay vì đi ra ngoài lêu lổng. Năm lớp năm, mặc dù không còn học với cô Hảo, cứ vài ngày tôi lại theo cô về nhà cô ở xóm trong để được cô chì bảo thêm. Việc trau dồi học hành siêng năng đã mang lại cho tôi nhiều kết quả tốt. Tôi đã trở thành đứa học sinh đứng đầu lớp và được nhiều khen thưởng. Cô Hảo ngày càng thương tôi hơn và tôi càng quí cô, coi cô như một người mẹ nuôi vậy.

Hè năm đó, mẹ tôi quyết định gửi tôi cho người cậu ruột để trốn đi vượt biên. Mẹ tôi phải ở lại để thăm nuôi chăm lo cho bố tôi khi đó vẫn còn trong tù cải tạo nên không cùng đi được. Biết chuyện ra đi này từ trước, tôi đã thổ lộ cho Cô Hảo nghe. Tôi đã nói với cả mẹ tôi lẫn cô rằng tôi không muốn đi đâu hết, chỉ muốn ở gần hai người tôi thương yêu nhất đời nhưng cả hai đều không nghe tôi. Họ nói rằng vì tương lai của chính mình tôi phải hy sinh ra đi.

  • Xa con, mẹ con sẽ rất khổ sở vì nhung nhớ và lo lắng. Cô cũng sẽ nhớ con nhiều lắm! Nhưng con cần phải nghe lời mẹ, phải can đảm, phải cố gắng vượt mọi khó khăn để đi tới thành công. Sau này con sẽ thấy rằng mẹ con hy sinh cho con là đúng thôi!

Ngày tôi đến chào cô Hảo để ra đi, tôi đã khóc và cô đã ôm chặt tôi vào lòng, hôn tôi. Nước mắt cô cũng đã chảy xuống vai tôi, ướt đẵm chiếc mai ô cụt tay tôi đang mặc khi đó… Sau ngày tôi đi, mẹ tôi đã về ở với bà ngoại tôi ở Long An. Vài tháng sau đó. bố tôi chẳng may đã bị bệnh và chết trong trại cải tạo. Đến Mỹ tị nạn, cậu tôi đã làm đơn xin đoàn tụ gia đình cho mẹ tôi và sau sáu năm, tôi đã may mắn được đón mẹ tôi ở phi trường Cựu Kim Sơn.

Tỉnh hình nước nhà đã đổi thay, hai lần tôi đã theo mẹ tôi trở về thăm xứ sở, hai lần tôi đã đến xóm cũ đi tìm cô giáo Hảo của tôi ngày xưa nhưng không thấy. Xóm cũ nay đã không cỏn như xưa, con hẻm ngày trước nay đã được mở rộng hơn ra, những căn nhà lụp xụp nay đã được xây lại hai ba tầng. Nhà cô giáo tôi bây giờ do một cặp vợ chồng trẻ làm chủ. Hỏi thăm cô giáo Hảo, họ nói không biết gì hết vì căn nhà đã đổi chủ nhiều lần. Tôi nghĩ chắc sau ngày tôi vượt biên cô đã về quê hay cũng đã trốn ra đi. Tôi tự hỏi nếu cô đã vượt biên và đến được nơi định cư thì giờ này cô ở đâu, ở Mỹ, Canada, Úc hay một nước nào khác trên thế giới?

Hơn hai mươi lăm năm đã trôi qua mà tôi vẫn ghi nhớ ước nguyện tôi đã làm ngày nào, khi tôi còn thơ ấu. Nhìn những ngôi sao trên trời, cho đến bây giờ tôi vẫn còn tin ở sự thần diệu mà chúng có thể đem lại cho tôi và tôi đã ước được gặp lại Cô Hảo, cô giáo tôi thương yêu tha thiết. Tôi chưa được tọai nguyện nhưng tôi vẫn còn mang trong lòng niềm tin rằng một ngày gần đây, ước nguyện của tôi sẽ thành, tôi sẽ được diễm phúc gặp lại cô…

 

Viết tại Cưụ Kim Sơn
Ngày 20 tháng 11 năm 2006


Trở lại Đầu Trang