![]() |
Trang Web Hướng Dương Txđ |
![]() |
Những Chuyện Xuân Tàn (1) |
Sống hơn ba mươi năm trên đất Mỹ, Hoàng đã chứng kiến bao nhiêu chuyện đẹp, những chuyện hài hoà, tươi sáng như mùa Xuân, những chuyện hạnh phúc tràn trề, những chuyện yêu đương nồng thắm. Đối với anh, những chuyện đó là những chuyện bình thường vì nó vốn dĩ như thế khi mình chưa tị nạn, khi mình còn sống bên nhà, còn sống trên quê hương yêu dấu. Ngược lại, anh cũng đã chứng kiến bao nhiêu chuyện tan nát đau lòng, những chuyện làm cho anh buồn muốn khóc, những chuyện của những ngày Xuân nay đã tàn. Cuộc đời con người chỉ có hạnh phúc khi không có sự đổ vỡ, khi không có sự tàn lụi, khi hai vợ chồng vẫn còn khắn khít bên nhau. Trong một cuốn Paris by Night anh đã được xem, anh thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền ăn mừng 40 năm hạnh phúc bên người vợ, anh lấy làm sung sướng cho con người may mắn đó, ông cứ được hưởng mãi những ngày Xuân của cuộc đời. Đang sống trong một nước chậm tiến dưới những gò bó của phong tục, văn hoá Việt Nam, đang sống trong một xã hội bảo thủ với những giá trị đông phương chi phối bởi tư tưởng Lão giáo, Khổng Tử giáo, Phật Giáo, bỗng nhiên người tị nạn thấy mình sang sống trong một xã hội phóng khoáng, tân tiến và phát triển, với những giá trị căn cứ trên vật chất hơn là tinh thần, trên quyền lợi hơn là tình thương, trên xác thịt hơn là tâm hồn. Xã hội Mỹ đã đưa ngưởi tị nạn đến chỗ tự hỏi sao mình có thể sống như xưa, sao mình có thể chấp nhận sự gò bó, sự chói buộc, xiềng xích của phong tục và truyền thống nữa. Bỗng nhiên, người tị nạn thấy mình được giải phóng, mình được sống trong tự do, được sống cho mình trước tiên, sống triệt để, vì sống chẳng phải là để hưởng thụ hay sao? Nếu sống là để hy sinh, để nhịn, để tự kiềm chế thì còn sống làm gì? Những tư tưởng mới mẻ đó đập vào tâm trí người tị nạn, làm cho người tị nạn ý thức rằng mình cần thay đổi, cần làm một cuộc cách mạng bản thân, cần thực hiện một sự đổi đời. Hoàng đã không bị chi phối nhiều bởi cuộc sống mới trong xã hội Mỹ, một xã hội cấp tiến mà trước đó anh chưa từng kinh nghiệm, anh không thấy cuộc đời anh bị ảnh hưởng quá nặng, mặc dù gia đình anh cũng đã trải qua nhiều sóng gió, vợ chồng anh cũng đã từng qua những giây phút rất căng thẳng, tưởng như đã sắp tan vỡ, mùa Xuân sắp chấm dứt. Nhưng trời còn thương hai đứa, Nga cũng đã dần dần ý thức rằng tan nát đổ vỡ chỉ tổ làm cho hai đứa khổ sở hơn, các con cháu đau đớn hơn. Hoàng cũng đã bớt giận, bớt buồn, bớt chán. Cả hai đứa đã chấp nhận thực tế gay go và đã cố hoà hợp, cố sống với nhau nốt quãng đời còn lại. Dù sao thì Hoàng thấy anh cũng còn may mắn hơn nhiều người. Sống trên đất Mỹ anh đã thấy bao đổi thay trong cuộc đời của những kẻ ở xung quanh anh, bao đổ vỡ, bao đau thương, bi đát. Anh đã cảm thấy lòng se lại, tâm hồn rướm máu mỗi khi một gia đình anh quen biết tan rã. Anh nhớ lại những người trong họ hàng, anh nghĩ đến những đứa bạn, anh liên tưởng đến những bộ mặt quen thuộc đã phải trải qua những kinh nghiệm bất hạnh gây ra bởi sự thay đổi trong cuộc sống mới. Anh nhớ đến Tuấn, một người bạn thân thiết của anh. Tuấn là một kỹ sư nguyên tử lực. Anh đã làm mười năm cho một cơ quan nghiên cứu nhà máy điện nguyên tử. Anh đã lấy vợ được hơn 15 năm, có con hai con đã lớn với người ấy. Năm 1995, năm hai người đã ly dị, và Tuấn đã bị khủng hoảng tinh thần và đã xin nghỉ làm. Khi ấy anh mới năm mươi tuổi. Anh đã phải chia tài sản cho vợ, nhưng không hiểu anh đã giàn xếp thế nào mà anh vẫn còn giữ được căn nhà và chiếc xe hơi cũ. Sau khi ly dị Tuấn đã tính làm ăn ở nhà, anh tính làm cố vấn cho các công ty chuyên dựng những kế hoạch phát triển năng lượng, nên anh đã cho sửa phần dưới nhà thành một văn phòng làm việc rất rộng và đẹp, nơi anh tính vùi đầu vào công việc nghiên cứu cho quên buồn đời. Vì quả thật đời anh quá cay đắng phũ phàng, anh đã mải miết đi làm kiếm tìền về cho gia đình và quên mất rằng vợ anh ở nhà, thiếu vắng anh, lúc nào cũng buồn khổ, không biết phải làm gì một mình để tìm được thú vui cho bản thân. Nàng cuối cùng đã tìm được lẽ sống nơi người tình nhân mà số mệnh đã đưa đến, nàng đã hưởng được những thú vui cả về mặt thể xác lẫn tinh thần với người tình nhân ấy và không còn cô đơn nữa. Trước đấy, nàng thấy rằng mình đã quá tuổi bốn mươi, nếu không mau hưởng thụ thì sẽ quá muộn. Thời gian tàn nhẫn lắm, nó không chịu ngừng lại hay đi chậm lại cho nàng chờ đợi lúc Tuấn bừng tỉnh cơn mê và ý thức được những thèm muốn của nàng. Nàng biết vẻ đẹp, nét duyên dáng và làn sóng khát vọng bên trong con người nàng không tồn tại lâu, không vĩnh cửu. Nàng sợ một ngày nào đó nàng thấy mình không còn thèm muốn nhiều nữa. Nàng bỗng nhận thức rằng mình sắp hết thời, mình sắp quá tuổi để hưởng thụ, tuổi để có những cảm súc mãnh liệt, để thấy cuộc đời huy hoàng và nàng thấy phải nhanh chóng sống cho trọn, không để phí một giây phút nào nữa. Nàng đã bắt đầu ăn diện, bắt đầu đi chơi, không chịu ở nhà với hai đứa con đang tuổi dậy thì nữa. Nàng đã đi xã giao, di dự những buổi tiếp tân, nàng quen biết thêm nhiều người lịch sư, sang giầu, học cao hiểu biết rộng, có tinh thần phóng khoáng, và nhờ thế nàng đã tìm được cho mình người tình lý tưởng, trẻ đẹp vạm vỡ và thích ăn chơi. Nàng bỗng nhiên thấy Tuấn già nua, quê mùa không biết hưởng đời, không biết ăn chơi, và nhất là không biết làm tình. Tuấn thuộc thế hệ cũ chỉ biết làm bổn phận gia đình, không còn biết gì khác. Vợ anh thuộc thế hệ mới trẻ trung hơn, cấp tiến hơn, biết đến cuộc cách mạng tình dục và cuộc giải phóng phụ nữ, nàng biết những quyền lợi của người vợ trong gia đình. Nhiều lần nàng nói với Tuấn nhưng Tuấn không hiểu, phần vì anh còn tư tưởng bảo thủ của thời xưa, phần vì bản chất con người anh trầm lặng, thích suy tư, thích làm việc hơn là thích làm tình. Rồi đến một lúc nào đó nàng thấy rằng nàng không còn có thể ở trong căn nhà thiếu nhựa sống, bên cạnh người chồng không biết đam mê mà nàng không còn thương nữa, nàng muốn dành toàn thời gian cho người nàng yêu thương thắm thiết. Và bỗng nhiên một buổi sáng thứ bẩy, nàng nói cho Tuấn ý định ra đi của nàng, nàng nói với Tuấn đã đến lúc anh phải trả lại tự do cho nàng, nàng như con chim hoàng yến không còn muốn bị nhốt trong lồng nữa, nàng muốn bay bổng trong nền trời xanh, hát tiếng hát của con người đã tìm lại được hạnh phúc, con người đang sung sướng, đang thèm tự do hưởng đời. Tội nghiệp cho Tuấn, anh chẳng hiểu gì hết, anh không biết tại sao vợ anh lại không thấy sung sướng trong căn nhà đẹp như vầy, đầy đủ quần áo đẹp, đầy đủ thức ăn ngon, muốn gì được nấy. Anh không hiểu được cái gì đã thúc đẩy vợ anh thay đổi tính nết, cái gì làm cho người đàn bà đã sống hơn mười lăm năm với anh bỗng nhiên dở chứng đòi đi tìm tự do, đòi thôi không muốn sống với anh nữa. Và nhất là cái gì đã làm nàng thôi không yêu anh, trong khi anh vẫn yêu nàng như thuở nào! Anh không thể tưởng tượng nổi vợ anh lại thôi nghĩ đến anh, không muốn chăm sóc anh nữa, quên đi muời lăm năm sống bên nhau, quên đi những kỷ niệm đẹp chung của hai người. Anh không thể nào chấp nhận rằng đó là sự thực, đó là một dữ kiện, anh cứ cho là anh đang nằm mơ. Hay có khi anh đã làm một chuyện gì phật lòng nàng, làm nàng giận và nói thế, chứ thực lòng không phải thế. Rồi anh hỏi nàng anh có thể làm cái gì đễ chuộc lỗi hay không? Làm cái gì để nàng đổi ý, nàng lại cười với anh, lại ôm anh hôn anh như ngày nào? Thật là tội nghiệp cho Tuấn! Anh quá hiền lành, quá lương thiện, anh là ngườì chồng điển hình của thời xa xưa, người chồng gương mẫu của nửa thế kỷ trước. Vợ anh nghe anh nói cũng cảm thấy thương hại anh. Nhưng thương hại anh để mà ai thương hại cho nàng? Nàng đâu còn cuộc sống dài lâu? Từ trước đến lúc đó nàng đã hy sinh, nàng đã phải dằn mình sống trong gia đình ấy, nàng đã thấy khổ sở từ lâu rồi, nay làm sao có thể chịu đựng thêm được nữa? Vả lại còn người tình của nàng để đâu? Nàng đâu muốn cứ lén lút thương, lén lút ái ân? Đã đến lúc mọi chuyện phải trở nên công khai, nàng muốn mọi người biết rằng nàng đang hạnh phúc, nàng đang hưởng đời, nàng đang là một trong số ít đàn bà đang được tự do độc lập. Tuấn vẫn không tin là chuyện vợ mình đòi ly dị lại có thể xẩy ra, cho đến khi anh nhận được giấy của luật sư kêu anh đến nói chuyện. Anh liền xin nghỉ một ngày để ở nhà suy nghĩ xem chuyện gì đã xẩy đến với mình, anh bỗng ý thức rằng cuộc đời anh bắt đầu khốn nạn, anh bắt đầu thấy buồn, thấy cô đơn. Bởi vì vợ anh đã tự dưng bỏ nhà ra đi đâu anh không hay, anh chỉ biết rằng, qua lá thư nàng để lại, nàng ra đi để cho cuộc ly dị dễ dàng hơn, anh không nên biết nàng đi đâu vì biết cũng vô ích, nàng đã quyết định dứt khoát rồi, không có gì còn có thể thay đổi sự thể đó được nữa. Rồi anh xin nghỉ thêm một ngày nữa vì anh không còn tinh thần đâu đi làm, rồi anh lại nghỉ thêm một ngày, lại thêm một ngày. Bạn bè ở sở, anh không có bao nhiêu vì anh ít giao du, vài người anh quen biết gọi điện thoại hỏi thăm, anh nói anh mắc bệnh suy nhược thần kinh, và họ cho rằng anh đã làm việc căng thẳng quá nên sinh bệnh. Đến ngày hẹn, anh đến văn phòng luật sư hy vọng gập vợ anh ở đó để anh năn nỉ, anh lạy lục để cho vợ anh về với anh, nhưng nàng biết trước nên không đến, chỉ ủy quyền cho luật sư nói chuyện với anh. Anh biết thế là hết, không còn gở gạc gì được, nên anh chán nản, luật sư nói gì anh đâu có nghe, anh cứ gật đầu đồng ý, và sau hết hắn bảo anh ký vào tờ giấy gì đó, anh cầm bút ký đại cho xong. Cuộc đời anh đến đấy đã tàn, còn gì quan trọng nữa đâu? Những ngày hôm sau, anh ở nhà mở chai rượu vang ra uống cho quên sầu. Từ trước đến giờ anh đâu có uống rượu một mình bao giờ, mà càng lại không uống nhiều như thế! Thế rồi nó thành thói quen, sáng sớm anh chạy đi mua một chai, rồi hai chai về uống suốt ngày, uống riết anh không còn thấy say nữa. Con anh thấy anh không đi làm, cứ ở nhà uống rượu, bèn nói với mẹ qua điện thoại, mẹ chúng bảo đi nói với ông bà nội chứ, bấy giờ nàng không còn muốn dính dáng gì đến anh nữa. Thế mới thật khốn nạn cho cuộc đời hai đứa bé. Chúng nghĩ chắc bố chúng đã phải làm một chuyện gì tầy trời, mẹ chúng mới đối xử với người như vậy. Khốn nạn cho anh là như thế, anh nghĩ lại giá anh bìết sự thể sẽ ra như thế này thì anh đã không để cho con mụ đó yên thân ra đi, vì bây giờ anh mới căm thù nàng, anh mới thấy anh dại, anh bị cắm sừng mà không hay. Anh khinh bỉ con mụ đó, anh nghĩ nó đê tiện, chỉ thích làm tình, thích những thằng đàn ông nào làm cho nó sướng, làm cho xác thịt nó rung động, và anh tưởng tượng ra cảnh nó nằm dưới thằng đàn ông xa lạ, anh điên tiết lên, anh muốn giết con mụ dâm dục ấy đi cho rồi. Nhưng thời gian trôi qua đi, Tuấn vốn có bản chất của con người lương thiện, hiền lành, anh quên đi chuyện cũ, anh bỏ qua sự căm hờn, để còn sống cuộc đời của mình. Anh nghĩ một phần lỗi là vì anh, vì anh không cập nhật hóa tư tưởng, anh không ý thức được những trào lưu sống mới, anh vẫn còn sống với lối sống mà cha mẹ anh sống nên mới nên nỗi thế. Và anh nghĩ thôi thả cho nàng tự do sống cuộc đời nàng thích là phải, giữ nàng lại chỉ làm khổ người đàn bà mà mình thương yêu. Anh nghĩ mỗi người có một lối sống riêng , anh cứ sống theo anh, chẳng cần đến nàng nữa cũng chẳng sao. Rồi anh quyết định thôi hẳn không đi làm nữa, anh xin về hưu để có thì giờ đi chơi, anh đi đánh golf, anh đi câu cá, anh đi du lịch khắp năm châu. Nhiều bà thấy anh nay tự do muốn theo, nhưng anh như con chim đã một lần bị bắn trúng, viên đạn còn nằm trong người, anh sợ, anh tránh né. Quen chơi, nói dăm ba câu chuyện thì được, nhưng đi xa hơn nữa thì anh không muốn. Dần dà ai cũng biết ý anh, không ai còn bám anh, không ai còn nghĩ đến chuyện xây dựng tương lai với anh nữa. Nhưng vì anh vẫn là người đàn ông bình thường, anh tưởng anh thôi hẳn không thèm đàn bà nữa, anh sống một mình được, anh tưởng anh cứ đi chơi, đi đánh golf, câu cá một mình là xong, nhưng anh đã lầm. Đến một lúc nào đó, anh đã lại thấy cô đơn, anh đã thấy rằng làm tất cả những chuyện trên là vô vị, vì người đàn ông làm cái gì cũng vì người đàn bà, nếu không có người đàn bà thì cuộc sống nó không có ý nghiã, sống làm gì, sống cho ai? Anh không là một anh thầy chùa, anh cũng không là một người cha cố và anh không sống vì đức Phật hay vì chúa Jesus. Do đó một thời gian sau, khi mọi căm thù, tức giận người đàn bà đã bỏ mình đi theo người khác không còn nữa, thì anh thấy anh lại cần có một ai đó bên mình, để đêm đêm thủ thỉ, để sáng ra có cốc cà phê pha sẵn cho mà uống, để khỏi phải đi chơi golf và câu cá, vì anh đâu có thích hai thứ giải trí đó? Và kỳ thực, anh chẳng có thú giải trí nào hết, cuộc sống của anh thật đơn giản, chỉ ở nhà đọc sách báo, đi ra sau vườn tưới cây, xem truyền hình một chút, và ngồi cạnh một người đàn bà nói chuyện dấm dớ. Khi đi chợ búa, anh muốn có người đàn bà đi cùng, anh chỉ lái xe, rồi lẽo đẽo theo sau. Lâu lâu đi phố, đi xem hát, hay đi ăn, anh cũng muốn có một người đàn bà đi cùng để còn có người nói chuyện. Nói một cách đơn giản, anh cần có một người hầu anh, không khó tính, không đòi hỏi, và nhất là không đòi làm tình, vì anh không có nhu cầu đó cấp tính. Anh không quan niệm ái ân là một cái thú, anh chỉ coi đó là một bổn phận làm để trong gia đình có con cái, một nhu cầu cần phải giải quyết nhanh chóng cho xong, anh không cầu kỳ, không thích vẽ vời. Rồi anh nghe chuyện nhiều người đàn ông tuổi anh ly dị vợ xong về Việt Nam cưới vợ khác, anh cũng muốn bắt chước, anh cũng muốn đi kiếm một người đàn bà ở quê nhà đem sang Mỹ làm vợ. Anh đâu sống còn được bao lâu nữa, nếu trời cho, anh sẽ có được một người vợ hiền lành, không thích ăn chơi, hưởng đời như những người đàn bà Việt sống bên Mỹ đã lâu. Anh sẽ tìm một người không cần đẹp, không cần học cao hiểu rộng, giao thiệp giỏi, làm ăn khéo. Vì anh đã qua một kinh nghiệm đau thương. Lấy vợ đẹp, học cao hiểu rộng, giao thiệp giỏi chỉ tổ sớm thì muộn vợ mình sẽ nằm trong vòng tay kẻ khác, béo bở gì? Anh chỉ cần một người có học chút ít, học hết Trung học là quí lắm rồi, vì anh nghĩ nếu người đàn bà anh cưới về quá ít học thì cũng là một vấn đề; làm sao anh, một người trí thức, lại có thể chiụ được một người vợ ngu xi đần độn? Anh cũng không cần tiền nên anh tính anh sẽ không cho người vợ mới của anh đi làm, anh sẽ không để nàng giao du rộng rãi, cùng lắm thì anh sẽ chỉ cho nàng tiếp xúc với bà con họ hàng và một số rất ít bạn bè người quen mà anh có. Người vợ mới của anh càng ít ra ngoài, càng ít quen biết, anh sẽ càng yên tâm không sợ mất vợ thêm một lần nữa. Hai vợ chồng anh sẽ sống một cuộc sống khép kín, nhưng vợ anh sẽ được sung sướng về mặt vật chất, vì với số tiền lương hưu và những tài sản anh còn lại, hai đứa sẽ ăn đến chết cũng không hết. Vợ anh sẽ sống trong căn nhà to đẹp mà anh đang có, sẽ đi xe hơi, sẽ được ăn uống no nê đầy đủ, bận quần áo đẹp như tất cả những người đàn bà khác sống trên đất Mỹ, nàng sẽ thấy hạnh phúc vì không còn phải sống thiếu thốn như khi còn ở Việt Nam nữa. Như thế, Tuấn đã tính toán trước, anh đã có kế hoạch sẵn trong đầu, anh đã vẽ ra một mẫu người anh sẽ đi tìm khi anh về đến Saigon: một người trung niên tuổi 40, 45, còn khỏe mạnh, không quá béo nhưng đừng gầy ốm, mặt mũi sáng sủa nhưng không quá thông minh, học thức tú tài nhưng không hơn, không tốt nghiệp đại học, không có hiểu biết chuyên môn, và tất nhiên là phải hiền lành, sống an phận, không có tham vọng, không có quá nhiều ước mơ. Với sự chuẩn bị tư tưởng đó, anh quyết định về Việt Nam ăn Tết. Đằng nào cũng về, về vào lúc có hội hè vui chơi, anh sẽ được hưởng những ngày truyền thống, không khí vui vẻ, cảnh sinh hoạt náo nhiệt mà anh đã không được hưởng từ hơn hai mươi năm nay. Hơn nửa khí hậu sẽ mát mẻ hơn, không khí Xuân sẽ nhộn nhịp tươi vui, lòng người sẽ phơi phới, anh sẽ có được những ngày thần tiên nơi quê nhà. Và với tinh thần phấn khởi như thế anh đã mua vé máy bay và Tết năm đó anh đã trở về thăm quê hương với ý định luôn thể tìm cho mình một người vợ theo ý mình. Quả nhiên, anh đã được hưởng những ngày thần tiên. Sau khi anh về đến Tân Sơn Nhất, anh đã được một anh tài xế taxi đưa anh đến một khách sạn trên đường Hai Bà Trưng ngay gần khu Tân Định. Khách sạn không thuộc loại sang nhưng tương đối cũng tiện nghi, phòng cũng khá lớn, có cửa kính nhìn xuống phố, cũng máy lạnh, nước nóng, cũng giường nệm sạch sẽ, cũng dọn phòng hàng ngày. Như thế mà anh chỉ phải trả có 20 đôla một ngày, anh thấy cũng được, tội gì vào những khách sạn lớn như Rex hay Continental để phải trả trên 100 đô la? Ở gần khu chợ lại rất tiện cho anh khi đi ra ngoài tìm nơi ăn uống. Anh không phải là hạng người cầu kỳ phải ăn ở những tiệm ăn sang trọng, nơi có người hầu bàn đứng sẵn đó phục vụ, trái lại anh thích vào những tiệm ăn bình dân ăn hủ tíu, ăn phở, ăn cơm đĩa. Không phải anh không khoái ăn ngon – vì ai là người không thích ăn ngon? – nhưng anh không đòi hỏi; anh thích vào những quán nhậu, uống bia ăn những món ăn mà lâu lắm anh không được ăn như chả cá, nem cua, lẩu lươn, tôm nướng. Như thế những ngày đầu, anh cứ lang thang phố phường đi chơi một mình, ăn uống no nê. Anh không tìm lại những liên hệ tình cảm cũ, không đi thăm họ hàng bà con; anh cũng chẳng gập bạn bè cũ, anh cứ như là một người ngoại quốc đi du lịch. Thế rồi một hôm anh ghé một nơi ăn chơi trên đường Lê văn Duyệt, nơi đấy nghe nói có bia ôm, cái mà anh đã từng nghe nói đến nhưng chưa thử nghiệm bao giờ. Vừa vào đến bên trong, anh được một người đàn bà ăn mặc lịch sự chào đón, mời vào phòng khách. Sau đó, một đám thiếu nữ mặc áo dài, xinh như mộng, tuổi chứng 18, 20 lần lượt bước ra đứng trước mặt anh. Người đàn bà ngồi bên anh nói:
Tuấn ngước mắt lên nhìn, hoa cả mắt. Nay anh đã trên năm mươi lăm, không lẽ ngồi với em 18, anh thấy nó thế nào ấy. Con gái anh cũng đã 20. Giá có em nào chừng 30, 35, thì anh sẽ chọn ngay nhưng tại nơi đấy toàn là gái trẻ, tuổi không trên 25. Nhưng không lẽ lại ra về chỉ vì không có em nào già hơn? Ai cũng thích gái trẻ, gái non, tại sao anh lại đòi gái già? Thôi thì cứ thử một lần xem sao, nếu không thích thì không đến nữa chứ có khó gì? Một lúc lưỡng lự xong, anh chọn được một em tròn triạ, trông già dặn hơn những em khác, hiền hậu, dễ thương. Em mặc một chiếc áo dài lụa mầu vàng nhạt. Anh vẫn thích những người mặc ào dài mầu vàng.
Tuấn lấy tiền trong túi quần đưa cho người đàn bà.
Anh theo người con gái lên trên lầu ba, vào một phòng trống không, có khí mát của máy lạnh, trong đó chỉ kê có một ghế nệm dài và một chiếc bàn thấp. Người con gái tên Loan mời anh ngồi. Một lúc sau, có tiếng gõ rồi một người thanh niên mở cánh cửa, mang vào một chiếc khay trên đó có năm sáu lon bia, một chiếc ly cối, một sô nước đá và một đĩa nhỏ đựng một chiếc khăn mặt bao trong túi ni lông. Y đặt chiếc khay lên bàn rồi trước khi bước ra, bấm một chiếc nút nơi cửa. Tiếng nhạc bỗng trổi lên êm ái, chỉ tiếng nhạc không, không có tiếng ca sĩ. Loan ngồi bên cạnh anh, cầm chiếc khăn tay đưa cho anh:
Em mở lon bia đổ vô ly to đã có sẵn nước đá và hỏi anh:
Người con gái nhìn anh chăm chú. Có lẽ em biết anh mới đến nơi đây lần đầu. Anh không biết rằng nơi đây bán những món nhậu, những món ăn chơi, như đậu phọng rang, tôm khô củ kiệu, mực khô, cá khô thiều, gỏi gà, thịt bò lúc lắc, sà lát, cánh gà chiên bơ, vân vân…
Anh cũng không đói bụng, anh chỉ đói tình. Từ ngày ly dị vợ, anh chưa ôm một người đàn bà trong vòng tay. Thế mà đã hơn năm năm rồi. Lúc đầu anh căm thù vợ anh, và anh thù lây cả đàn bà khác. Nhưng với ngày tháng trôi qua, anh cảm thấy thèm một cái ôm, một cái hôn hít, sờ soạng, và có thể cả làm tình nữa. Ngày còn vợ bên cạnh, anh không thấy cần thiết phải có thân thể đàn bà bên anh, nhưng sau này, đêm đến anh cứ nằm một mình mãi, lắm lúc tự nhiên anh thấy nhớ một sự va chạm, một sự cọ sát, hay một cái ôm. Người con gái đứng lên ra mở cánh cửa rồi nói một câu gì anh nghe không rõ. Anh đoán chừng người thanh niên kia còn đứng đó chờ xem anh có kêu gì ăn hay không. Anh cầm ly bia lên đưa lên miệng uống một hơi dài, đặt ly trở lại, rồi ngả lưng nhìn lên trần nhà. Những cánh của chiếc quạt trên trần nhà quay chầm chậm và ánh đèn lờ mờ từ bên tường hắt lại bóng đen của chúng sang bên phiá anh ngồi. Người con gái đã trở lại ngồi bên anh, em ngồi sát vào anh như muốn khiêu khích hay thách đố anh. Em lấy lon bia mở sẵn, rót nốt vào ly, em cứ nhìn anh mỉm cười như muốn mời mọc. Anh chưa biết phải làm gì. Anh nhớ những đứa bạn anh đã kể chuyện đi bia ôm, lâu lắm rồi, vào thời còn chiến tranh, họ đã làm những gì. Hồi đó anh không hề biết ăn chơi bậy bạ. Anh chi biết đi học rồi đi làm. Một năm sau khi anh lấy vợ, anh được học bổng đi Mỹ học Ph.D., anh chưa xong tiến sĩ thì Saigon đổ, anh ở lại luôn, trình luận án, xong anh xin được việc làm tại một công điện lực. Tháng sáu năm 78, anh gặp lại vợ và đứa con đầu mà lúc đó anh chưa giáp mặt.
Anh nhìn Loan, anh thấy em chẳng có vẻ gì là gái bán bar, trông em hiền dịu như con gái nhà lành, không đẹp nhưng cũng không xấu. Tự nhiên anh vòng tay ôm eo em, anh thấy em mặc coọc sê hay sao đó vì bàn tay anh đụng một lớp gì cưng cứng dưới lớp áo dài em đang mặc. Anh đưa môi lại gần má em hôn nhẹ; em để yên, không phản ứng gì cả. Anh ngửi thấy một mùi thơm thơm. Không phải là mủi nước hoa loại sang mà vợ anh xưa kia hay dùng, nhưng đối với anh mùi thơm ấy là mùi đàn bà, mùi anh đang thèm ngửi, bất kể sang hay không.
Anh thấy mắt em sáng lên, và giọng em như muốn nói lên một sự kiêu hãnh, một niềm sung sướng. Nhưng chỉ được một phút rồi vẻ mặt em lại trở nên bình thản. Lại có tiếng gõ cửa, cánh cửa lại mở ra, một người đàn bà dáng dấp bình dân mang thức ăn vào đặt lên bàn rồi trở ra. Tuấn thấy chỉ có một cái bát và một đôi đũa. Anh hỏi:
Hôm ấy, Tuấn đã được ôm em vào lòng, hôn em lên má, anh đã được xoa hông em, xoa đùi em, nhưng khi anh để tay lêm bụng em thì em đã nhẹ nhàng cầm tay anh đưa ra chỗ khác. Loan đã kể chuyện đời em cho anh nghe. Không biết chuyện đó là chuyện thật hay chuyện giả nhưng anh vẫn cứ tin. Ba em là một sĩ quan chế độ cũ, chết trận vài tháng trước ngày Việt Cộng tràn vào miền Nam. Mẹ em là một giáo viên tiểu học, vì bị bệnh tim nên nay phải nghỉ ở nhà. Mẹ em chỉ có hai đứa con gái, hai chị em trước học ở Gia Long. Em thi tú tài rớt nên không lên học đại học. Em đã đi làm từ khi 18 tuổi cho những quán nước, quán chè, đồng tiền kiếm được không bao nhiêu. Từ ngày có người ngoại quốc vào nhiều, em nghe theo những đứa bạn đi làm phục vụ ở những nhà hàng, rồi cách đây sáu tháng em chuyển sang nghề chiêu đãi, làm việc tại đây. Anh hỏi em, em chỉ chiêu đãi thôi hay còn làm cả nghề kia, em nói em chỉ chiêu đãi, nghề kia có những đứa khác làm, em sợ lắm, em không dám. Nhìn ánh mắt em, anh tin là em nói thật. Vả lại trông em còn ngây thơ lắm, anh không tin là em đã tiến lên một bước nữa, đi vào cái nghề phong trần ấy. Anh lại hỏi em đi làm chiêu đãi như thế em kiếm được bao nhiêu mỗi tháng, em trả lời rằng tùy lúc tùy mùa, ít thì cũng trăm đô, nhiều thì hai trăm, phần lớn tiền này là do khách cho em, chứ chủ không trả lương, trái lại còn lấy một phần tiền em kiếm được. Nghe em kể chuyện đời em, Tuấn tự nhiên thấy thương em hết sức. Khi uống hết năm chai bia, sau khi ngồi với em cả tiếng đồng hồ, anh trả tiền và cho em thêm 100 ngàn rồi ra về. Hai ba ngày sau anh lại trở lại, và kế đó hầu như mỗi ngày anh đều đến đó để được gập con bé. Càng ngày anh càng thấy gắn bó với Loan, xa em, anh thấy nhớ nhớ, anh cũng chẳng biết tại sao. Dường như Loan cũng có nhiều cảm tình với anh; hay vì em được anh cho tiền nên em làm ra vẻ như vậy, anh không biết. Nhưng cứ được ngồi với em, ôm em vào lòng, sờ soạng hôn hít em là anh thấy sướng rồi. Lúc mới gập em lần đầu, thấy tuổi em còn nhỏ, anh không thấy tự nhiên nhưng chỉ mới ngồi với em một lúc là anh đã quên hết, quên đi là em mới hơn hai chục tuổi, cái tuổi gần như tuổi con anh, anh quên đi là anh đả trên 55, anh đã già. Nay anh không còn thấy tí gì khó chịu bên em, trái lại anh thấy rất thoải mái, lòng anh thấy rạo rực, lắm lúc anh còn thấy thèm có em nằm bên anh nữa, thèm được yêu em trọn vẹn, không chỉ sơ sơ như thế này. Một hôm anh hỏi Loan có chịu đi chơi xa với anh không thì em nói em không nghỉ được, nghỉ em sẽ mất việc. Anh nghĩ tới việc trả tiền cho con mẹ cai gà, “mượn” Loan một vài ngày, anh hỏi em, em bảo anh cứ hỏi cô Tám. Anh nói chuyện với cô Tám và sau một lúc, nó chiụ cho Loan nghỉ một tuần nếu anh trả 100 đô. Anh hứa cho em 100 đô để em đi chơi với anh, tiêu gì khác cho hai đứa, anh sẽ lo hết. Em nói em đi chơi với anh ban ngày thôi, tối đến anh phải cho em ngủ phòng riêng, anh cũng chịu. Thế là hai đứa lấy tour đi Đà Lạt và Nha trang. Những ngày anh đi chơi với em, anh thấy anh trẻ trung, anh thấy cuộc đời màu hồng, anh cứ đi thăm hết cảnh đẹp này đến cảnh đẹp khác. Anh đã được ngồi bên em trên bờ hồ Than Thở, đứng với em bên Suối Vàng, đi bên em trên những bãi cát trắng bao la, hưởng với em gió biển đượm mùi mặn và hơi tanh tanh của Nha Trang. Anh đã tưởng anh sống trong một giấc mơ, anh đã thấy lòng anh dâng lên một nỗi hân hoan, một niềm sung sướng ít có, và anh đã tận hưởng những giây phút hạnh phúc đó. Anh nghĩ trời đã đưa Loan đến với anh để cho anh được có niềm vui, vì từ ngày vợ anh bỏ anh đi theo thằng nhân tình, anh sống như đã chết, chết vì sầu, vì sự lạt lẽo của cuộc đời, từ đó đã trở nên vô ý nghĩa, vô vị. Nhưng nay thì tâm hồn anh đã sống lại, tim anh đã lại đập lại, anh đã lại thấy cuộc đời đáng sống, đáng tận hưởng. Anh ăn đã thấy ngon, anh ngủ đã thấy yên giấc, vẫn còn mộng mị, nhưng chỉ là những giấc mộng đẹp, đẹp tuyệt vời. Ngày Tuấn về Mỹ, anh mang theo hình ảnh của người con gái ấy trong tâm tư, anh bị hình ảnh đó ám ảnh, anh cứ thấy nó lảng vảng trong đầu óc, anh thấy nhớ nhung những ngày sung sướng vừa qua, những ngày anh thấy lại hạnh phúc. Đã lâu lắm anh không được biết hạnh phúc là gì, bấy giờ anh lại được hưởng những giây phút anh thấy thần tiên nhưng quá ngắn ngủi ấy… Anh đã về Mỹ vì anh lỡ lấy vé máy bay về ngày đó, anh có thể đổi vé nhưng anh đã ngại, không muốn rắc rối. Nay anh tiếc anh đã không ở lại lâu hơn, anh tiếc vì anh đâu cần phải về Mỹ liền, anh đã xin về hưu và chẳng có việc gì làm, anh được hoàn toàn tự do, anh có thể ở lại bao lâu cũng được. Sáu tháng sau anh lại trở về Việt Nam, lần này anh ở lại lâu hơn, anh ở lại gần ba tháng trời ở Saigon để hưởng hạnh phúc bên người anh thấy anh đã thương yêu. Anh đã nói với Loan là anh muốn lo cho em, anh muốn cưới em, anh muốn đưa em đi Mỹ, anh muốn em được sung sướng bên anh suốt đời. Và Loan đã đồng ý, em đã thôi không đi làm bia ôm nữa, em đã chỉ còn ở nhà chờ ngày anh về đón em. Trước khi về Mỹ, anh đã đến xứ quán làm giấy tờ hứa hôn để chóng có phép nhập cảnh cho em. Chừng hơn một năm sau thì Loan đã đến Mỹ. Bây giờ em đã sống bên Tuấn, chờ ngày anh chết để hưởng gia tài và biết đâu, để tái giá. Đến khi đó, em vẫn còn trẻ đẹp, em sẽ đã quen với lối sống ở Mỹ, em sẽ đã biết những quyền lợi của em. Mặc dù em không là người đi tản buồn nhưng em cũng đã trở thành Việt Kiều như bao nhiêu người khác. Sống bao lâu trong một xã hội phóng khoáng, tân tiến và phát triển, với những giá trị căn cứ trên vật chất hơn là tinh thần, trên quyền lợi hơn là tình thương, trên xác thịt hơn là tâm hồn, em cũng sẽ thôi không chịu chấp nhận sự gò bó, sự chói buộc xiềng xích mà em đã phải chịu bao năm trời bên Tuấn, em cũng sẽ muốn được sống trong tự do, được sống cho mình trước tiên, sống triệt để, sống để hưởng nốt phần còn lại của cuộc đời em, để được hạnh phúc trọn vẹn. Hướng Dương txđ |