Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Tình Cấm
Truyện Ngắn Tình cảm Dị Thường của Hướng Dương txđ



Đã hơn bốn mươi năm tôi không gặp lại Hoàng, kể từ ngày chúng tôi chia tay nhau sau khi cùng tốt nghiệp Trung Học. Trong khi tôi ở lại Saigon đi học Văn Khoa, Hoàng đã may mắn được cha mẹ gửi đi Pháp du học và anh đã ở lại suốt từ đó đến nay. Bây giờ cả hai chúng tôi đều đã về nghỉ hưu. Tình cờ qua điện thư, tôi bắt lại được liên lạc với anh và trong một ngày mùa đông tôi đã ghé thăm Hoàng ở căn nhà nhỏ anh sống một mình tại Saint Ouen, một vùng ngoại ô của Paris. Bên ly cognac và bao thuốc lá, tôi đã hơi ngạc nhiên khi anh đưa ra một tờ báo địa phương cũ. Anh nói:

  • Các bạn cho tôi biết hồi này anh hay viết những chuyện tình đẹp. Đây cũng là một câu chuyện tình đẹp mà tôi muốn kể cho anh nghe để về Mỹ anh viết lại….
  • Thế thì hay lắm, thưa anh, tôi trả lời. Tôi đang cạn đề tài mà được anh giúp thì không gì quí hơn…
  • Vậy anh đọc mấy giòng tin trên tờ báo này đi rồi tôi sẽ kể chuyện đó cho anh nghe.

Anh trao cho tôi tờ báo và chỉ cho tôi đọc mảnh tin nhỏ như sau:

“Một người đàn ông Á Châu tuổi khoảng năm mươi đã đi từ Casablanca đến Paris để tự vẫn bằng cách nhẩy từ Pont d’Austerlitz xuống giòng sông Seine, trước những con mắt bàng hoàng của bao nhiêu người trong đám đông du khách…. Tên tuổi kể bất hạnh không được tiết lộ vì sự yêu cầu của gia đình người quá cố.”

  • Chắc anh chàng này chết vì tình chứ gì? Câu chuyện ra sao hả anh?
  • Thì cứ từ từ rồi tôi kể cho anh nghe… Làm thêm ngụm rượu, đốt thêm điếu thuốc đi đã…

Sau đó Hoàng đã kể cho tôi biết đầu đuôi câu chuyện mà tôi xin viết lại dưới đây cho bạn đọc.

…………………………………….

Quân trở lại Paris vào mùa đông năm ấy để thăm người mẹ già đang đau nặng. Đã gần hai mươi năm anh không về thăm mẹ, kể từ ngày anh giã từ bà, giã từ Hoàng Yến, giã từ Paris, giã từ quá khứ ra đi. Anh vẫn còn nhớ ngày ra đi đó mồn một, như thể nó mới xẩy ra mới đây. Có thể những cảm giác đau thương, những cảm giác dằn vặt tâm can anh, sự buồn khổ dai dẳng theo đuổi anh một thời gian dài sau đó đã làm cho tim anh vẫn còn đập dồn dập hôm nay, khi anh trở lại cái thành phố hoa lệ mà anh đã phải dứt tình ra đi. Phải chăng anh đã không muốn đi khỏi Paris vì Paris đẹp, vì Paris là nơi ai cũng mơ uớc sống? Không, không phải vì những lý do đó! Lý do đơn giản là vì Paris đã là nơi anh sống những ngày thần tiên bên Hoàng Yến, nơi chất chứa bao nhiêu kỷ niệm đẹp của anh với nàng. Paris là nơi anh đã muốn ở trọn đời với người anh đã yêu say đắm, yêu với tất cả con tim anh, với tất cả hồn anh, yêu điên dại, yêu đến mất cả lý trí, không còn nhận thức được phải trái. Số phận đã đưa đẩy anh đến với Hoàng Yến, số phận sau đó đã buộc anh phải xa nàng. Có lẽ trong kiếp trước anh đã nợ nàng một món nợ chưa trả sao đó nên kiếp nay anh đã phải khổ sở vì mối tình dang dở. Hai mươi năm đã trôi qua nhưng mối tình đó vẫn chưa nguôi ngoai, anh vẫn còn thương nàng, hình ảnh nàng vẫn còn vương vấn tâm trí anh.

Anh đã quyết định trở về Paris lần này một phần vì mẹ anh đau ốm, phần khác vì anh đã nghe nói Dì Sáu, người dì họ của anh, cũng đã từ Nam Cali về thăm bà. Anh nghĩ Hoàng Yến sẽ cùng đi với mẹ vì làm sao một bà cụ gần tám mươi tuổi ốm yếu như Dì Sáu lại có thể đi một mình được? Và về thăm mẹ, anh đã hy vọng được gặp lại người yêu xưa. Những ngày xa cách nàng, anh đã bao nhiêu lần nghe bài “Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em”, giọng ca trầm buồn thê thảm của Tuấn Ngọc như van xin, đã làm tim anh thổn thức, những giọt nước mắt anh đã trào ra, lòng anh đã ray rứt một nỗi buồn. Anh đã nghe bài ca đó trăm lần, và cứ mỗi lần nghe anh lại có những cảm giác đau lòng như thế. Những phản ứng anh không kiểm soát nổi đó, một sự kiện bất thường chính anh cũng không hiểu, anh cũng không tìm cách giải thích. Bao nhiêu đêm rồi người con gái ấy đã về với anh trong những cơn mộng? Bao nhiều đêm dài bóng dáng nàng đã ám ảnh tâm trí anh vào những lúc cùng cực nhất, những lúc anh buông thả chính anh để cố ý trầm mình vào sự cuồng điên do absinthe và thuốc lá gây ra? Anh đã muốn giống như Baudelaire để tâm hồn anh trôi dạt vào hư vô, vào thế giới của ảo tưởng, thế giới dị thường bên kia đường ranh của lý trí.

Anh đã yêu Hoàng Yến từ những ngày thần tiên anh sống bên nàng, những ngày hai đứa êm đềm ở bên nhau tại một trại tị nạn tuốt bên Nam Dương. Gần hai năm trời, hai đứa đã sống trên một hòn đảo hoang dại nằm giữa biển Java trong cảnh thần tiên của thiên nhiên, sống vô tư lự, không nghĩ đến ngày mai. Trong tâm trí anh vẫn còn hình ảnh những buổi đi tắm biển, những lúc tay đan tay anh cùng Hoàng Yến đi dạo trên những con đường sói đá chạy dài xung quanh hòn đảo, những lúc xế chiều anh ngồi bên em, hai đứa ngắm nhìn biển lặng, những cơn gió nhẹ chỉ đủ làm mặt biển gợn sóng, trông tựa như mặt nước hồ. Anh nhớ hình ảnh Hoàng Yến khi tắm lên, người ướt xũng nước biển, tóc xoã dài hai bên vai, áo quần dính sát vào người, để lộ tấm thân ngọc ngà của người con gái vừa qua tuổi dậy thì. Nàng thường hay nằm xuống bãi cát, vẻ mặt sung sướng, đôi môi đỏ cong như đang nở một nụ cười len lén. Những lúc đó, anh thấy trong lòng rạo rực một sự thèm muốn, anh thèm được cúi xuống hôn nàng, anh thèm được ôm nàng vào lòng, thủ thỉ với nàng đôi ba câu tình tứ. Nhưng rồi một cảm giác là lạ chạy trong anh, một ý nghĩ cấm đoán hiện ra trong đầu anh, xua đuổi ngay những ý tưởng không phải mà anh đang có trong tâm trí. Anh nhớ những lần anh trầm tư ngồi ngoài lan can hút thuốc nhìn ánh trăng tỏa xuống cánh rừng sau nhà. Gió thổi từ xa đưa về mùi thơm kỳ lạ của cỏ dại hoa rừng. Hoàng Yến thấy vẻ mặt anh buồn hỏi anh tại sao anh không vui. Tại sao? Tại vì anh muốn thương em mà không được, tại vì hình ảnh Dì Sáu hiện ra trong đầu anh khi đó, khi anh muốn được yêu em và được em yêu lại. Những lúc đó anh phải tự ngăn anh, tự ngụy biện ràng em còn bé, còn ngây thơ, đâu đã biết yêu? Anh đâu có thể bắt em sớm làm người lớn, dụ dỗ em đi vào con đường
tình ái? Nhưng làm sao ngăn cản được những cảm súc tự nhiên, làm sao có thể dập tắt đi ngọn lửa cháy âm ỉ trong đáy con tim anh? Rồi một ngày ngọn lửa đó bùng lên, cơn xay tình bộc phát và anh sẽ không còn ngăn cản được. Và anh đã sợ ngày đó, sợ như sợ một căn bệnh hiểm nghèo, sợ một sự nghiện ngập khó có thể từ bỏ.

Những ngày tị nạn trên đảo, anh đã sống bất cần đời vì anh đã có bên anh người yêu bé nhỏ. Mà bé nhỏ thật, vì vào những ngày xa xưa đó Hoàng Yến tuổi mới hơn mười sáu. Mười sáu, cái tuổi mộng mơ của người con gái vẫn còn ngây thơ. Sau nàng, anh đã không còn yêu ai khác. Mối tình anh dành cho nàng đã là mối tình duy nhất vì anh đã không muốn để một người đàn bà nào che lấp hình bóng nàng. Sau Hoàng Yến anh đã hết đam mê, anh đã chết trong con tim, tình cảm anh đã khô cạn, anh đã cằn cỗi, anh đã hết rung động. Không phải anh không còn đến với những người con gái khác. Trái lại, anh đã đến với nhiều người nhưng đến để mà đến, đến vì sự thèm thuồng của cơ thể, đến vì những thôi thúc sinh lý, không phải vì yêu thương như anh đã đến với Hoàng Yến.

Thời gian đã trôi qua nhanh chóng kể từ những ngày vui đầy kỷ niệm đó, những ngày anh cho là may mắn nhất trong cuộc đời. Không may mắn sao được khi anh và Hoàng Yến đã thoát chết sau mười ngày bềnh bồng trên Biển Đông? Anh vẫn còn nhớ buổi tiễn đưa tại bãi biển Hà Tiên thơ mộng, Dì Sáu nắm chặt tay người con gái út trong đêm tối. Lẫn trong tiếng sóng vỗ ồ ạt vào bờ, anh đã nghe tiếng người dì họ dặn dò:

  • Anh nhớ lời Dì bảo đây, vì từ ngày mai trở đi Dì không còn thấy mặt hai con nữa, có muốn nói điều gì cũng không nói được.
  • Dạ thưa Dì con xin nhớ!
  • Dì giao phó Yến cho anh vì Dì biết anh sẽ luôn luôn bao bọc che chở nó. Nó còn nhỏ chưa biết cư xử hành động sao cho phải. Dì muốn anh đi đâu cho nó đi theo, dạy dỗ nó, coi nó như đứa em ruột thịt…
  • Con sẽ luôn luôn chăm sóc Yến, xin Dì cứ yên tâm!  Con sẽ lo cho em con như lo cho chính con, không khi nào con bỏ bê em đâu mà Dì sợ!
  • Không! Dì không sợ. Nhưng nó là đứa con út của Dì, đứt ruột để nó ra đi như thế này. Mà ra đi rồi, biết chuyện gì sẽ xẩy ra? Nếu chẳng may có nguy biến Dì chỉ còn trông mong vào anh để lo cho nó, anh có biết không?
  • Dạ thưa con biết!
  • Nếu trời đất phù hộ mà hai đứa thoát nạn đến được bến bờ tự do thì đi đâu anh cũng phải dẫn nó theo. Anh lớn hơn nó cả chục tuổi, anh đã khôn lớn, trong khi em nó còn nhỏ, còn khờ dại lắm! Nó đâu biết gì, sao có thể tư mình xoay sở?
  • Thưa dì, con biết mà. Nếu đến được trại tị nạn thì đâu còn gì phải lo hả Dì? Anh con hiện ở Paris đã biết chuyến đi của hai đứa con rồi. Anh ấy sẽ làm giấy cho tụi con qua Pháp và như vậy chắc không phải chờ lâu đâu Dì ạ.

Cuộc bỏ nước trốn đi lần này đã là lần thứ ba của hai đứa, mà lần nào trước khi chia tay dì Sáu cũng vẫn nhắc đi nhắc lại những lời dặn dò đó. Chẳng bao lâu sau, số người đến chờ nơi bãi đậu đã lên tới con số mấy chục. Thế rồi bốn chiếc ghe nhỏ được đẩy xuống nước biển và lũ lượt tất cả mọi người ùn ùn leo lên. Quân nắm tay Dì Sáu nói:

  • Thôi tụi con đi đây. Dì về đi. Ở đây gió trở lạnh con sợ Dì sẽ ốm đó!
  • Thế hai đứa con đi mạnh giỏi. Tới nơi nhớ biên liền thư về!

Dưới ánh sáng những chiếc đèn gió của những người chèo thuyền anh thấy Dì Sáu ôm Hoàng Yến lần chót, nước mắt rươm rướm, giọng nói bùi ngùi:

  • Con luôn luôn nghe lời anh Quân nghe chưa. Sang bên đó con gắng học hành cho nên người!
  • Thưa mẹ vâng.

Chiếc ghe nhỏ chở đầy người sau đó đưa anh và Hoàng Yến ra một chiếc ghe đánh cá lớn hơn, bề dài chừng 12 thước, đậu ngoài khơi. Trong bóng tối mịt mờ, hai người đàn ông lực lưỡng đứng phía trên đã đưa tay kéo mọi người lên và sau đó chiếc ghe nhỏ lại quay đầu trở lại bờ. Cuộc đổ người kéo dài chưa tới mười lăm phút và sau đó chiếc ghe lớn nổ máy và di chuyển. Cuộc phiêu lưu bắt đầu. Quân thấy hơi khó chịu trong lòng, một cảm giác kiến bò, như thể anh e ngại một chuyện gì không lành sẽ xẩy ra. Có thể anh mang cảm giác lo âu đó vì hai lần đi trước đã đổ bẻ, một lần anh và Hoàng Yến chạy thoát, một lần đưa cả hai đứa vào nhà tù. Nhưng lần này mọi chuyên êm xuôi, chiếc ghe đi thoát ra đến ngoài vùng hải phận yên bình.

Nhưng ngay sáng sớm hôm sau cơn bão đã bất chớt đổ đến, sóng biển như nổi loạn, nhồi chiếc ghe lên xuống làm cho Hoàng Yên bị cơn say sóng khổ sở, nàng vừa chóng mặt vừa nôn oẹ ra mật xanh mật đỏ. Nhìn vẻ mặt xanh lét của nàng anh thấy sót xa cho người em gái. Sau nửa ngày sóng gíó bão bùng, cơn thịnh nộ của biển cả nguôi dần và những ngày hôm sau biển tương đối êm, con tàu chạy tuy chậm nhưng vẫn tiến tới đều đều. Dưới hầm tàu hơn sáu chục người chen chúc, khói và hơi thở cộng với mùi nôn oẹ làm cho ai nấy đều gần như phải nín thở. Hoàng Yến cứ ngả đầu lên vai anh gật gà gật gù ngủ suốt ngày. Đêm đến, vì không có đủ chỗ nằm, nhiều người phải dựa vào thành ghe mà ngủ.

Thời gian cứ trôi đi như thế, ghe cứ lênh đênh trên mặt biển bao la, nhiều ngày trôi qua mà chẳng thấy bến bờ đâu. Ghé mằt nhìn qua khe nơi thành ghe, Quân chỉ thấy một vùng nước xanh đậm mênh mông, và xa tít chân trời là những cụm mây trắng xóa lơ lửng trên một bầu trời tươi sáng. Ánh nắng hừng hực đổ xuống làm chiếc hầm đã ngột ngạt lại càng thêm ngột ngạt, Ai nấy mồ hôi nhễ nhại mà nước thì đâu có đủ để thoả mãn cơn khát? Thực phẩm từ từ cạn dần nhưng chẳng ai còn tâm trí đâu để mà lo chết đói. Đến ngày thứ năm thứ sáu gì đó, dầu trên ghe cạn hết, chiếc máy tàu ngưng nổ, chiếc ghe đành thả trôi trên mặt biển mất một ngày trời. Ai nấy trên ghe đều tưởng cuộc ra đi đến đó là xong, chỉ chờ ngày chết dần chết mòn, chết vì đói khát, chết từ từ từng người một. Ai nấy đều nghĩ đến số phận, nhiều người có tín ngưỡng đã bắt dầu cầu nguyện, tiếng lẩm bẩm của họ càng làm cho tình trạng thêm bi đát. Nhưng rồi những rủi ro cũng trôi qua, may mắn đến với mọi người trên ghe khi họ được một chiếc tàu chở hàng to lớn bắt gặp và giúp đỡ, cho thêm dầu, nước và thực phẩm rồi chỉ phương hướng cho mà đi. Người chủ ghe, một ngư phủ tuy chuyên nghiệp nhưng chưa từng đi xa khỏi lãnh hải Việt Nam bao giờ, đã không đi đúng đường và thay vì đi về hướng đông nam lại chạy theo hướng tây nên ngày càng xa những hòn đảo của Nam Dương. Nhờ gặp chìếc tàu lớn đó mà chỉ hai ngày sau, chiếc ghe đã đến nơi yên bình.

Chiếc xe lửa tốc hành TGV đi từ Marseille về Paris chạy vùn vụt  như tên lửa trên đường rầy dành riêng cho loại tàu chạy nhanh. Quân đã lấy chuyến tàu đêm để có thể tới Paris vào sáng sớm hôm sau. Anh đã từ Casablanca vượt Địa Trung Hải bằng tàu thủy đến Marseille hôm trước. Ngồi trên chiếc ghế đệm da êm ái, anh ngả lưng ghế ra phía sau, nhắm mắt cố tìm giấc ngủ mà không sao chợp mắt được. Bên cạnh, người thiếu nữ da trắng tuổi chừng đôi mươi đã chìm trong giấc chiêm bao, lâu lâu lại nhoẻn miệng cười như thể nàng đang gặp chuyện đẹp trong giấc mơ. Anh đã cố giữ yên lặng, tránh gây phiền cho người láng giềng khá sinh đẹp ấy.

Không biết làm gì hơn, anh thả hồn quay về với quá khứ. Anh bỗng nhận thức anh đã để cuộc đời mình trôi dạt qua bao nhiêu bến bờ kể từ ngày anh bỏ Paris đi trốn. Con đường anh đã đi qua trải dài khắp lãnh thổ nước Pháp sang đến vùng rộng lớn bắc Phi Châu, không nơi nào đã là đất lành cho anh đậu lại vĩnh viễn. Những nơi anh đến tìm chỗ dung thân, những thành phố lớn, Strasbourg, Lyon, Grenoble, Montpelier, Bordeaux, Nantes, Rennes, Brest, đã không đủ sức hấp dẫn để giữ chân anh lại lâu dài. Cuộc sống giang hồ hình như đã trở thành một nề nếp trong cuộc đời anh. Sau Brest là một thời gian khá dài, ba bốn năm gì đó, làm việc vặt trên những con tàu hàng hải chạy con đường Băc Âu và Bắc Phi men theo Đại Tây Dương. Lúc đầu anh thấy vui khi được đi đây đi đó thăm các hải cảng lớn nhỏ, Amsterdam, Hambourg, Ringkobing, Stockholm, Helsinki, La Rochelle, La Coruna, Lisbon, Cadiz, Tangers, Casablanca, Agadir. Anh đã sống những ngày cô đơn nhất, lủi thủi trên những con tầu biển to lớn, mặc dù bên anh có hàng trăm người bạn đồng sự thuộc đủ mọi giống người. Có lễ nỗi cô đơn là do anh đã chọn sống xa những người đồng hương mà anh muốn lẩn tránh. Từ ngày anh rời con tàu để xuống sống trên đất liền anh đã đi khắp vùng Bắc Phi, đôi chân đưa anh qua những vùng xa lạ của Maroc, Algérie, Tunisie, Mauritanie, Sénégal, Guinée, Côte d’Ivoire. Hai năm mới đây anh đã sống tại Casablanca, ban ngày làm công việc thư ký giử sổ sách cho một người đàn bà Ả Rập tứ tuần, chủ một cửa hàng bán đồ da cho khách du lịch ngoại quốc, ban tối đôi khi làm người ban vui cho bà chủ. Âu đó cũng là một giải pháp tiện lợi cho cả hai bên và anh cũng không muốn gì hơn. Đôi lần trong cơn say men tình ái bà chủ đã đề nghị anh cưới bà làm vợ nhưng anh đã từ chối. Người đàn bà góa chồng khá đẹp và rất đa tình, của cải có kha khá, tính nết cũng không đến nỗi khó thương vẫn không cám dỗ được anh chỉ vì anh thấy tất cả trên đời đều phù du, đều vô thường nếu nói theo thuyết nhà Phật. Anh không muốn biết ngày mai sẽ ra sao, anh không muốn gắn bó với bất cứ một cái gì hay một người nào trên đời. Tiền tài danh vọng đối với anh chẳng bao giờ còn ý nghiã kể từ khi anh mất Hoàng Yến. Mất em, anh đã mất hết cả niềm tin vào cuộc sống, chán nản, mất hết hy vọng, mất cả tương lai. Từ đó anh đã chỉ sống cho ngày hôm nay, đôi khi cho quá khứ, cái quá khứ xa xôi đã phần nào nhạt nhòa trong tâm trí anh. Anh vẫn cố gắng bám víu vào một số những hình ảnh đẹp của ngày trước, hình ảnh một nụ cưới, một cái hôn, một phản ứng tự nhiên khi làm tình của người con gái anh đã chót yêu. Anh nhớ nàng như con thú dại bị nhót trong cũi nhớ rừng, như con chim trong lồng nhớ những lần vẫy vùng trên bầu trời tự do. Nhưng tất cả đã chết, khúc nhạc đã chấm dứt, bài thơ tình đã tắt ngang trước khi đến đoạn kết. Không còn gì để có thể mang đến cho anh hạnh phúc. Nay thì đã như Tuấn Ngọc hát trong bài ca

“tuổi thơ qua mau quá, anh ngỡ như  ngày nào
đôi mắt em như sao soi thấu tâm hồn nhau
giờ đây anh đã úa,
tay cố khơi tình người, tim cố nuôi thân em
đôi mắt quầng thâm rồi…”

Con tàu vẫn phóng nhanh, êm ái, không một rung chuyển mạnh. Xung quanh Quân, phần lớn hành khách đã ngủ. Bóng tối bao phủ toa tàu ngoại trừ một vài ánh sáng le lói từ những chiếc đèn đọc sách chiếu xuống từ trên nóc toa xe, nơi đôi ba người còn thức và đang dỗ cơn ngủ bằng cách đọc tuần báo hay tiểu thuyết. Những cánh cửa nơi cửa sổ đã được kéo xuống nên Quân không còn thấy cảnh bên ngoài. Vả lại cái cảnh mùa đông vào ban đêm có gì lý thú để cho anh ngắm? Phía trước, cách anh ba hàng ghế, một người đàn ông béo mập bằng hai lần anh, lúc nãy nhai ngồm ngoàm cây saucisson và tu rượu đỏ từ nguyên chai nắm trong tay, nay đang rống ngáy làm cho anh khó chịu. Đã không ngủ được, tiếng ngáy lớn lại càng làm anh thấy khó ngủ hơn. Chán nhìn xung quanh, anh lại ngả đầu về phía sau, cố nhắm nghiền mắt lại để tìm giấc ngủ, nhưng không được. Những hình ảnh của quá khứ cứ diễn ra trong đầu anh như những đoạn phim ngắn không ăn khớp với nhau, không liên tục.

Anh nhớ lại những lần đưa Hoàng Yến đi chơi dọc bờ sông Seine, những cuộc du ngọan trên con tàu chở du khách bateaux-mouches nổi tiếng Paris, những hôm hai đứa đi coi xi nê ngồi bên nhau, anh cứ ngồi ngắm nàng thay vì nhìn màn ảnh. Những khi có cảnh yêu đương, anh thấy nàng bẻn lẻn cúi mặt tránh nhìn, làm tim anh đập nhanh hơn. Anh đã ước ao được nắm tay nàng, được quàng tay qua vai nàng, kéo nàng về phía mình. Những cử chỉ tầm thường của những đôi tình nhân đó lại không tầm thường đối với anh.  Anh nhớ những buổi chiều anh ngồi trong căn phòng nhỏ trên lầu giảng bài cho Hoàng Yến, chỉ cho nàng những lỗi văn phạm hay cách giải những bài toán khó. Anh nhớ ánh mắt biết ơn của nàng khi ngước lên nhìn anh. Anh nhớ ngày hai đứa ra phi trường Orly đón mẹ anh đến từ Việt Nam chỉ một năm sau khi hai đứa đến Pháp tị nạn. Nhìn ánh mắt không vui của người anh yêu, anh biết nàng buốn vì mẹ nàng không may mắn có được đứa con trai lớn bảo trợ như mẹ anh. Khi đó anh đã dịu dàng nói:

  • Thôi Yến đừng buồn, thế nào thì mẹ cũng được đoàn tụ với em!
  • Nhưng còn phải lâu lắm anh ạ.
  • Nay em đã mười chín, hai năm nữa đủ hai mươi mốt em sẽ có thể bảo lãnh cho mẹ.
  • Nhưng em không muốn chờ ba bốn năm. Từ ngày làm đơn xin cho đến khi được đoàn tu cũng phải mất hai ba năm. Hay là anh nạp đơn xin cho mẹ?
  • Anh đâu xin được? Phải là con mới được nạp đơn…
  • Thì anh cưới em đi, anh sẽ là chồng em, anh sẽ là con mẹ!
  • Đâu được em? Em quên là chúng mình…
  • Anh và em chỉ có họ xa với nhau. Chúng mình lấy nhau được mà!
  • Không được đâu! Mẹ anh và mẹ em sẽ không đồng ý…
  • Sao không đồng ý?
  • Tục lệ không cho phép hai đứa mình lấy nhau đâu. Tuy sống bên này nhưng mình vẫn là người Việt em ạ.
  • Luật lệ Pháp cho phép anh em họ xa kết hôn mà anh!
  • Vẫn biết thế, nhưng các cụ vẫn theo thói cổ xưa. Các cụ sẽ không bằng lòng…

Từ buổi đó anh biết Hoàng Yến cũng đã yêu anh. Linh tính đã cho anh biết như vậy từ khá lâu nhưng anh chưa bao giờ thấy nàng tỏ rõ tình cảm của nàng và chính anh cũng chưa lần nào dám thổ lộ mối tình thầm kín của mình với nàng. Hoàng Yến cũng đã thấy rõ mối tình câm nín của anh, lời nói của nàng đã chứng minh điều đó. Mặc dù bìết không thể lấy được nàng nhưng Quân đã không thể ngăn cản mình yêu Hoàng Yến. Trong những buổi đi dạo chơi sau đó hai đứa đã không còn giữ ý, không còn phải tự giấu lòng. Anh và Hoàng Yến đã trở thành đôi tình nhân công khai, mặc dù về nhà, trước mặt mẹ anh, hai đứa vẫn phải giấu. Những buổi gặp nhau trên căn phòng nhỏ để anh giúp nàng làm bài tập nay đã trở thành những buổi hai đứa chìm đắm vào yêu đương. Anh nhớ lại những nụ hôn say đắm anh đã trao Hoàng Yến, nhớ sự run rẩy của thân nàng khi anh ôm vào trong lòng. Anh nhớ cãm giác sung sướng, đê mê của người con gái nay đã trưởng thành trong tình yêu. Anh nhớ những đêm đông giá lạnh, Hoàng Yến đã lẻn xuống phòng anh để hai đứa được chùm chăn nằm bên nhau. Anh nhớ hơi nóng từ người nàng, mùi thơm của da thịt nàng, cái hạnh phúc vô ngần của hai đứa được ở bên nhau. Sự lén lút đã làm cho hai đứa mất tự do một phần, nhưng nó lại làm tăng sự thú vị và tăng cường độ của những lần gặp gỡ.

Thế rồi cái phải đến đã đến, cái mà hai đứa vẫn lo ngại đã xẩy ra. Khi Hoàng Yến không còn giấu được nữa thì mẹ anh đã biết hết chuyện. Không nén được con giận, bà đã goị hai đứa ra nói:

  • Hai đứa bay đã bất chấp phong tục tập quán, coi thường liên hệ máu mủ, làm chuyện xấu xa mang tiếng cho gia đình. Bây giờ tao mặt mũi đâu mà nhìn bà con họ hàng, bạn bè, và những người thân? Tụi bay không biết xấu hổ hay sao?

Trong khi Hoàng Yến đứng khóc thút thít, Quân chỉ biết lặng im trước những lời trách mắng của mẹ. Anh không biết phải làm sao bấy giờ. Để làm cho mẹ bớt giận, anh cố van xin sự khoan hồng, cầu mong sự tha thứ:

  • Con xin me thương hai đứa con mà tha thứ cho tụi con. Chúng con đã lỡ yêu nhau…
  • Trước khi tụi bay yêu nhau, tụi bay phải biết đến tình ruột thịt, liên hệ máu mủ chứ? Tha thứ thì dễ nhưng còn lời thiên hạ dèm pha nói xấu cả gia đình mình thì sao đây? Làm sao mà tao có thể sống yên khi người ta chê trách, chửi rủa mình?
  • Tụi con lỡ dại bây giờ không biết phải làm sao…
  • Phải làm sao ấy à? Chỉ còn một cách là giải quyết cái bào thai trong bụng càng sớm càng tốt, trước khi ai nấy đều thấy.

Hoàng Yến nghe mẹ anh nói đã òa lên khóc. Nàng cố van xin :

  • Con lạy bác, bác đừng bắt con làm như thế, sẽ phải tội với Trời Phật.
  • Nếu tuị bay biết có tội thì đã không gây ra chuyện. Không còn cách nào khác! Mẹ sẽ gọi điện thoại nhờ Bác Cẩn. Bác là bác sĩ, quen biết nhiều, mà lại là người trong nhà nên sẽ giới thiệu cho chỗ đáng tin cậy. Chúng bay chuẩn bị khi có hẹn là phải đi. Mẹ sẽ cùng đi với hai đứa bay để dễ bề tính toán…

Cả ngày hôm đó, hai đứa đã thẫn thờ như kẻ chết đi sống lại. Quân đã cố gắng an ủi người yêu. Anh tìm mọi cách để dỗ nàng, để cho nàng thôi khóc, Nhìn người yêu khổ sở, anh không khỏi đau lòng:

  • Anh xin em đừng khóc nữa, bớt buồn đi để rồi anh tính. Thế nào cũng phải có cách. Chúng mình sẽ bỏ Paris đi lập nghiệp ở một nơi xa xôi, không ai biết đến mình nữa. Hai đứa sẽ sống yên bình, sẽ cùng xây dựng cuộc sống mới, xây dựng hạnh phúc từ đầu…

Thế nhưng Hoàng Yến chỉ lắc đầu, không nói câu gì. Anh chẳng còn biết phải làm sao, phải quyết định thế nào bấy giờ. Anh nghĩ đến việc anh sẽ ra đi một thời gian, sẽ đi làm kiếm tiền để dành rồi về đón người yêu nhưng khi bàn với nàng, Hoàng Yến vẫn lắc đầu không chịu. Nói gì nàng cũng không nghe. Bí quá anh tính đường trốn đi, trốn cả cái thực tại đau thương lẫn những người thân yêu của mình.

  • Xin lỗi bây giờ là mấy giờ? Sắp đến Paris chưa vậy ông?

Người thiếu nữ ngồi bên cạnh anh vừa thức giấc. Nàng ngơ ngác vừa đưa mắt nhìn một vòng vừa hỏi anh làm cho anh thoát ra khỏi cơn mơ mộng. Anh hơi bực mình nhưng nghĩ lại, anh chẳng có lý do gì để không trả lời câu hỏi của người đồng hành.

  • Bây giờ là 4 giờ 7 phút. Chưa đến Paris đâu. Cô cứ ngủ đi! Tàu đến ga, tức khắc cô sẽ biết ! khỏi lo !

Người con gái lí nhí câu « cám ơn » rồi lại quay đầu sang phía thành toa tiếp tục ngủ. Chỉ còn hơn hai tiếng nữa là con tàu sẽ vào đến Gare de Lyon. Quân cảm thấy bồn chồn đôi chút. Anh nghĩ đến lúc anh sẽ gặp lại mẹ anh. Không biết mẹ anh giờ ra sao? Đã gần hai mươi năm anh chưa thấy hình bóng bà và không biết tình trạng sức khoẻ bà thế nào. Một người anh quen biết ở Casablanca đã đi Paris tuần trước đó và không hiểu cái gì đã thúc đẩy anh nhờ người ấy ghé thăm mẹ anh để biết tin gia đình. Trở về đến Casablanca, người này đã khẩn báo với anh rằng mẹ anh đau nặng và hiện đang được bà em họ tên là bà Sáu chăm sóc. Nghe nói đến tên Sáu anh liên tưởng đến Dì Sáu người mẹ của Hoàng Yến và tim anh đã đập dồn dập. Anh đã liền quyết định đi Paris với ước vọng được gặp lại người yêu xưa. Anh đã tránh không cho bà chủ của anh hay biết e bà sẽ đòi đi theo và chính vì vậy, anh đã lẳng lặng ghé bên tàu Casablanca xuống tàu về Pháp. Anh sống lại kinh nghiệm thời xa xưa, khi anh lăn lộn trên những chuyến hải hành khắp vùng Đại Tây Dương.

Quân đã chợp mắt được một lúc và khi người kiểm soát vé vỗ vào vai anh thì anh đã giật mình tỉnh dậy:

  • Đến Paris rồi sao ?
  • Vâng, tầu đã đến Gare de Lyon và như ông thấy hành khách đã đi khỏi gần hết! Chúc ông những ngày ở lại Paris thật vui vẻ.
  • Cám ơn ông.

Anh cầm chiếc túi da lủi thủi bước xuống bến đi ra cổng sân ga. Gió lạnh buốt táp vào mặt anh làm cho anh tỉnh hẳn, anh đưa tay lên kéo cao cổ áo len. Trời còn tối, ánh đèn vàng xung quanh làm cho anh liên tưởng đến một bài hát anh không nhớ tên trong đó có câu « Ga Lyon đèn vàng ». Ngày rời Paris, anh đã không đi qua ga này vì anh đã đi về phía bắc qua Gare du Nord. Nhưng thời gian đã bôi đi nhiều hình ảnh xa xưa của Paris, nhiều nơi anh không thường bước chân tới nay anh đã trở nên xa lạ đối với anh. Từ ga đến cửa hầm métro chưa đầy năm trăm thước. Anh vội vã bước theo đoàn người đông nghẹt vừa tuôn ra từ nhà ga, chen chúc nhau, nối đuôi trước những máy bán vé tự động và trước những ghi sê chờ mua vé. Mười phút sau khi tới phiên, anh bước tới trước người bán vé, một người con gái Pháp gốc Ả Rập có giọng nói thật khó nghe.

  • Cô làm ơn cho tôi một vé đi Saint Ouen
  • Một Euro bốn mươi lăm.

Anh thò tay vào túi quần, moi những đồng tiền lẻ bằng đồng đưa ra nói :

  • Tôi không quen đếm tiền địa phương, nhờ cô…

Cô gái bán vé nhanh nhen nhặt những đồng xu tròn từ lòng bàn tay Quân. Anh cám ơn, cầm vé bước những những nấc cầu thang đưa anh xuống hầm tầu. Cứ mỗi lần có một con tầu chạy tới đậu lại bên bến là hành khách đổ xô tranh nhau bước lên. Không biêt phải lấy con tầu nào, anh đi một vòng hỏi thăm.

Khi bước lên con tàu thứ hai chạy đường 15 qua Saint Denis đưa anh về Saint-Ouen, anh mới thở phào yên tâm. Ngồi trên ghế xe lửa ngầm nhìn qua cửa sổ, anh nhận ra những khu dân cư xưa kia anh hầu như đi qua mỗi ngày. Cảnh ngoại ô Paris vào mùa đông thật đìu hiu, bầu trời xám xịt, những cây trụi hết lá giương lên trời những cành khẳng khiu đen thui, trông thật buồn thảm. Anh nhớ đến những lần đi métro với Hoàng Yến, hai đứa ngồi bên nhau, anh nắm tay nàng, nhìn nàng trìu mến và anh cảm thấy ấm lòng hơn đôi chút. Viễn tượng có thể được gặp lại nàng làm tim anh tràn ngập một niềm vui. Anh tự hỏi không biết trông nàng bây giờ ra sao, còn giống như ngày xưa hay không, và ý nghĩ này lại đưa anh về với bài ca anh thường nghe Tuấn Ngọc hát:

Đôi môi đó đêm nay còn hồng?
……………………..
Ôi mái tóc mây bay giờ còn không ?
Tiếng nói thơ ngây giờ còn không ?
Em có vui không ? Hai má còn hồng?
Tuổi thơ qua mau quá! Anh ngỡ như ngày nào
Đôi mắt em như sao, soi sáng tâm hồn nhau ….

Khi anh về đến nhà thì đã chín mười giờ sáng. Anh liền vào thăm mẹ trong phòng bà. Nhìn đứa con trai đã bao năm chưa thấy lại, bà sững sở hỏi, mắt rơm rớm lệ :

  • Có phải thằng Quân của mẹ không đó ?
  • Dạ thưa mẹ, chíng con đây ạ.
  • Con về hồi nào vậy ? Sao mẹ không hay biết gì hết?
  • Con vừa về. Con liền vào đây thăm mẹ đấy !
  • Trời ơi! Lâu quá mẹ không còn thấy mặt con! Con đi đâu biền biệt, không gửi tin về nhà gì hết ?
  • Con đi làm ăn mà mẹ! Đời sống vất vả, con cũng chẳng muốn cho mẹ biết làm gì.
  • Tội nghiệp con tôi chưa! Mà sao về cũng không cho mẹ hay trước ?
  • Con đi gấp lắm. Nghe tin mẹ đau, con đi liền, không kịp biên thư cho mẹ.

Bà cụ nhìn đứa con mà bà đã mong chờ từ bao nhiêu năm. Nay nó không còn là thằng Quân của hai mươi năm trước. Nó đã gìa đi nhiều, tóc đã hoa râm, da ngăm đen, nét mặt mệt mỏi, hốc hác, mắt sâu hoẵm có quầng thâm xung quanh. Nhưng dáng người vẫn như xưa, giọng nói vẫn thế.

  • Sao con nghe nói có Dì Sáu từ Mỹ về đây thăm nuôi mẹ và ở lại đây? Dì ấy đâu sao con không thấy?
  • Hôm này Dì lên chùa chiều tối mời về. Thôi con đi rửa mặt rồi đi nghỉ đi. Mẹ vẫn giữ nguyên căn phòng dưới nhà cho con đấy!

Anh đi xuống cầu thang và mở cửa căn phòng của anh ngày xưa. Nhìn quanh một vòng anh bổng thấy hơi choáng váng và ngạc nhiên. Căn phòng vẫn y như cũ, đồ đạc, giường tủ, bàn học vẫn nguyên chỗ như xưa, không suy xuyển. Bước chân vào bên trong, anh thấy như thể anh vẫn còn sống nơi đây từ bao lâu nay, bao nhiều hình ảnh cũ trở về với anh. Ngồi vào chiếc bàn, anh mở những hộc tủ để thấy lại những vật dụng anh đã có hai mươi năm trước, chiếc bút mực, cây bút chì, cục gôm vẫn còn đó, những cuốn sách học xưa kia vẫn còn được xếp đứng trên mặt bàn, những cuốn vở anh đang dùng dở dang cũng vẫn nằm đó thành một chồng. Nhìn chiếc giường gối chăn mền vẫn sạch sẽ ngăn nắp, anh hiểu rằng mẹ anh vẫn thường lên đây dọn căn phòng chuẩn bị cho ngày anh trở về. Nghĩ đến đấy, anh cảm thấy một niềm sót xa cay đắng dâng lên trong lòng. Giá hồi đó mẹ anh đừng ngăn cấm anh yêu Hoàng Yến thì đâu đến nỗi này? Một cảm giác chán chường xâm nhập tâm hồn anh. Sau một đêm dài không ngủ trên xe lửa, anh thấy mệt mỏi bần thần khó chịu. Anh nằm xuống giường, nhắm mắt lại, và chỉ một chặp sau là anh đã chìm vào giấc ngủ.

Trong cơn ngủ, anh đã năm mơ anh đang đi trên đường Vaugirard gần khu vườn Luxembourg. Lúc đó là đầu thu, cảnh thiên nhiên sao đẹp lạ thường. Cả một vùng không gian đỏ úa vì lá cây đã gần chết. Bầu trời thật u ám nhưng lạ thay anh thấy tâm hồn rất nhẹ nhàng. Khi đi trên Boulevard Saint Michel bỗng nhiên anh thấy bóng dáng một người con gái trông rất quen thuộc từ trong khu vườn bước ra. Tim đập dồn dập, anh gắng đuổi theo để nhận diện nàng nhưng không sao bắt kịp. Người con gái ấy đi như một bóng ma, hai chân lướt trên mặt đường, như thể có một ngọn gió đẩy nàng đi tới. Ngoài đường đám đông vẫn đi lại như thường lệ và chẳng bao lâu sau đó nàng đã lẩn vào đám người qua lại. Quân cố bước nhanh, anh đã bắt sang Boulevard Saint Germain, vừa đi vừa giương cố lên tìm kiếm bóng dáng người con gái. Anh đi qua khu Sorbonne quen thuộc, và khi đến trạm Maubert nơi xưa kia anh thường dừng lại mỗi ngày, anh đã lại thấy nàng đi bên kia ngã tư. Anh len lõi giữa đám thanh niên, cố đuổi theo. Nàng đi thoăn thoát, chỉ cách anh khoảng 100 thước phiá trước nhưng lạ thay anh cố chạy tới mà cũng vẫn không sao bắt kịp. Người con gái đi dọc theo Quai Saint Bernard và chẳng bao lâu đã tới cầu Austerlitz bắt ngang sông Seine. Vừa khi anh tới nơi, nàng quay mặt lại nhìn anh và anh đã nhận ra Hoàng Yến. Trong khoảng khắc anh thấy nàng leo qua bức tường lan can hai bên cầu và nhẩy xuống giòng nước. Anh hoảng hốt kêu thất thanh “Hoàng Yến!” và phóng tới cố nắm bắt tay nàng nhưng đã quá muộn.

Khi anh đột ngột tỉnh dậy, tim anh đập dồn dập như muốn phá lồng ngực. Vài phút sau, anh nhận thức rằng anh đã trải qua một cơn ác mộng hãi hùng. Anh ngồi bồi hồi một lúc lâu rồi ra khỏi giường. Nhìn chiếc đồng hồ đeo tay thấy đã 8 giờ chiều, anh nghĩ rằng giờ đó Dì Sáu đã về. Anh vội vã đi lên nhà trên và quả nhiên Dì Sáu đang ở trong nhà bếp. Chẳng thưa chẳng rằng anh hỏi:

  • Yến đâu hả Dì?
  • Yến nào?
  • Thì Hoàng Yến con Dì chứ còn Yến nào nữa?

Dì Sáu bỗng tái mặt. Đôi mắt lộ rõ nét đau buồn, bà nhìn anh một lúc lâu như để thăm dò rồi mới lên tiếng:

  • Nó đã chết từ hai mươi năm nay rồi, anh còn hỏi làm chi cho thêm đau lòng?

Quân choáng váng mặt mày vì cái tin xét đánh này. Người anh yêu chết đã từ bao lâu rồi mà anh đâu có hay? Xa nàng anh đã quá khổ, nay tin nàng chết làm cho anh muốn chết ngất đi. Thẫn thờ, anh ấp úng hỏi lại:

  • Yến chết rồi?
  • Thì nó chết đã lâu mà anh không hay sao?
  • Không thưa Dì! Con đâu nào hay biết?
  • Nghe đâu sau khi anh ra đi, không hiểu vì sao nó cứ buồn rầu, không còn thiết gì nữa! Dì khi đó còn ở Việt Nam nên không biết rõ chuyện, chỉ được tin Mẹ con sau đó báo tin rằng nó đã tự tử…
  • Tự tử? Trời ơi! Yến tự tử? Vì sao vậy Dì?
  • Dì chẳng biết vì sao! Nó nhẩy sông Seine tự vẫn… Thật là một chuyện bất hạnh cho gia đình mình …

Anh chợt hiểu rằng mẹ anh đã giấu Dì, không cho bà biết chuyện hai đứa! Vô tình anh đã khơi lại vết thương của quá khứ làm cho Dì Sáu đau lòng.

  • Con xin lỗi Dì vì con đi xa nhà từ bao lâu nên không hay biết. Vô tình con khơi lại chuyện xưa làm Dì buồn… Con thành thật xin lỗi Dì…
  • Thôi chuyện xẩy ra cũng đã từ lâu. Trước sau gì thì Dì cũng muốn anh hay…

Trưa hôm đó, sau khi nói chuyện với mẹ và được biết mộ Hoàng Yến nằm ở ngay tại nghĩa địa Saint-Ouen gần nhà, anh liền vội vã đi thăm nàng. Anh cắm bó hoa hồng vào lọ xứ trên mộ, đau lòng đọc tấm bia mang tên “Trần Thị Hoàng Yến” và hai con số “1965-1985”. Miệng anh lẩm bẩm khấn, như thể anh muốn thủ thỉ với người yêu:

“Yến của anh ơi, anh cầu xin em nghe được những lời anh nói với em… Em ơi, anh rất đau đớn nghe tin em đã ra đi. Tất cả là tại anh, tại anh đã yêu em. Anh đã yêu em nhiều như thế nào thì anh chắc em đã biết. Phải chăng đó là định mệnh? Giờ đây anh chỉ còn biết xin em tha thứ cho anh… Nếu biết chuyện ra nông nỗi này thì anh đâu bỏ em mà ra đi? Suốt từ ngày anh ra đi anh vẫn một lòng nhớ đến em, nhớ em cho đến ngày hôm nay, và anh sẽ còn nhớ em cho đến khi anh chết. Xin em gắng chờ anh, chờ ngày chúng mình xum họp. Em sẽ không phải chờ lâu nữa đâu em ạ! Anh sẽ đi tìm em để rối chúng mình sẽ lại ở bên nhau, chúng mình sẽ lại yêu nhau như ngày nào. ………….”

Hướng Dương txđ
Mùng hai Tết Đinh Hợi – 2-19-2007

Trở lại Đầu Trang